Kế hoạch 4931/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 425-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 4931/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2024
Ngày có hiệu lực 03/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4931/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 03 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 425-KH/TU NGÀY 05/6/2024 CỦA TỈNH UỶ QUẢNG NAM VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31-CT/TW, NGÀY 19/3/2024 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 05/6/2024 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 31-CT/TW), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

- Bảo đảm thực hiện tốt các quyền của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường sự chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động, đặc biệt là trong khu vực không có quan hệ lao động.

2. Yêu cầu

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Chỉ thị 31-CT/TW sát với yêu cầu nhiệm vụ được giao và đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 05/6/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh con người, bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 05/6/2024 của Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận thông tin về những vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng công nhân hằng năm nhằm tạo sự lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của doanh nghiệp, người lao động.

3. Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Thường xuyên rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan; chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố tai nạn lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, tiếp cận tiêu chuẩn thế giới.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động

- Tiếp tục rà soát, phân cấp, phân quyền; thực hiện tốt Chương trình An toàn, vệ sinh lao động tỉnh theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh công tác đánh giá tác động môi trường lao động, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Tăng cường quản lý việc khai báo sử dụng và tổ chức kiểm định theo định kỳ đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quản lý chặt chẽ các đơn vị dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng các cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động; bộ phận an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận y tế, hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu.

- Thường xuyên quan tâm an toàn, vệ sinh lao động đối với các nhóm lao động nữ, người chưa thành niên, người khuyết tật, người cao tuổi, người giúp việc gia đình, người học nghề, tập nghề, người thử việc và lao động được cho thuê lại, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách khám sức khỏe định kỳ, giám định, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, điều trị, tiền lương, chi phí y tế, trợ cấp, bồi thường, bảo hiểm và các chính sách khác theo quy định cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia với các nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động. Biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có những mô hình hay, cách làm hiệu quả; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.

5. Kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác an toàn, vệ sinh lao động

- Rà soát, đánh giá, đào tạo, kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân lực làm công tác quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, quản lý, phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

- Chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, ngừa bệnh nghề nghiệp đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động.

[...]