Kế hoạch 2473/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 2473/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2024
Ngày có hiệu lực 28/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2473/KH-UBND

Hải Dương, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31-CT/TW NGÀY 19/3/2024 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 31-CT/TW); Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tại Công văn số 2365-CV/VPTU ngày 12/4/2024; Chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 227-CV/BCS ngày 17/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (UBND) ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 31- CT/TW).

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác ATVSLĐ góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của tỉnh; phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, đặt người lao động (NLĐ) là trung tâm, là động lực của sự phát triển.

- Bảo đảm quyền của NLĐ được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư và kế hoạch này phải được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; lồng ghép nội dung ATVSLĐ trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành,

địa phương, cơ quan, đơn vị từ đó cụ thể hóa thành kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Bám sát các mục tiêu đề ra tại Chương trình An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương số 1562/CTr-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, trong đó phấn đấu giảm tai nạn lao động (TNLĐ), nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỷ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm; số NLĐ làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp (BNN) được khám, phát hiện BNN tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền dựa trên nền tảng số, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền như tọa đàm, hội thảo chuyên đề, xây dựng các phóng sự, tin bài ... phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, luyện kim, cơ khí...

- Ưu tiên các giải pháp tiếp cận thông tin cho NLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động như thông qua hệ thống báo, đài phát thanh và truyền hình, đài phát thanh cơ sở, các cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các cơ quan, địa phương... Chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN đến đối tượng người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động, chủ sử dụng lao động, NLĐ làm việc tại các làng nghề, hợp tác xã, các công trình thi công xây dựng, các hộ sản xuất kinh doanh và NLĐ trong hoạt động sản xuất nông nghệp.

- Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về ATVSLĐ, các gương điển hình, mô hình, kinh nghiệm hay trong công tác ATVSLĐ; lồng ghép thông tin về phòng ngừa TNLĐ, BNN với các chương trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác; kịp thời lên án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ; thông tin các vụ việc vi phạm bị truy tố, xét xử, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Nâng cao chất lượng phong trào thi đua về ATVSLĐ; hình thành văn hóa an toàn lao động; đẩy mạnh sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp, NLĐ, người dân trên địa bàn tỉnh trong Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân hằng năm.

- Rà soát, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo về ATVSLĐ đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng khối kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho trẻ em, học sinh các cấp và giáo dục thường xuyên, như: vai trò của ATVSLĐ trong cuộc sống; nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại trường học, gia đình, xã hội; các biện pháp phòng ngừa TNLĐ.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong việc vận động, tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong việc xây dựng văn hóa an toàn tại cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động để bảo đảm ATVSLĐ, điều kiện làm việc với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong việc phân cấp, phân quyền, phân công làm đầu mối liên hệ; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu trong việc quản lý công tác ATVSLĐ tại địa phương, doanh nghiệp để thực hiện đúng các quy định pháp luật về ATVSLĐ.

- Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác ATVSLĐ, đội ngũ thanh tra lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, trong đó: Tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ hàng năm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện tốt Chương trình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý đội ngũ người làm công tác ATVSLĐ chuyên trách, bán chuyên trách và y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ, phòng, chống BNN nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn góp phần thực hiện tốt công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở. Lựa chọn công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có năng lực, chuyên môn, thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia về công tác ATVSLĐ để làm công tác tư vấn chính sách, phân tích đánh giá, hỗ trợ phục vụ công tác quản lý ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường lao động; khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện BNN; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai các hoạt động khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện BNN theo quy định; Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh, cơ sở y tế lao động, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động; Thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống BNN giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh.

- Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; Thực hiện tốt hoạt động quan trắc môi trường lao động, phân loại lao động theo điều kiện lao động; thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, BNN.

[...]