Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2520/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 2520/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2024
Ngày có hiệu lực 07/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2520/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31-CT/TW NGÀY 19/3/2024 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới;

Thực hiện Kế hoạch số 313-KH/TU ngày 24/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới; Công văn số 530-CV/BCSĐ ngày 31/5/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 313-KH/TU ngày 24/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (viết tắt là Chỉ thị số 31-CT/TW), với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Quán triệt đầy đủ, và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới đảm bảo đúng mục đích, quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Góp phần thực hiện hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), nhất là tai nạn lao động xảy ra tại các công trình xây dựng, hầm mỏ, đảm bảo sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp, bảo đảm ATVSLĐ đối với công dân, người lao động làm việc trong nước cũng như làm việc ở nước ngoài. Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tai nạn lao động chết người và bệnh nghề nghiệp.

Cải thiện điều kiện lao động; chăm sóc sức khoẻ người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động (NLĐ), tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

2. Yêu cầu: Việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 31-CT/TW phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm đạt các tiêu chuẩn lao động theo quy định của pháp luật; tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khoẻ người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động (NLĐ), tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhângóp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm (tai nạn lao động chết người).

- Mục tiêu 2: Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/ năm (số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp).

- Mục tiêu 3: Số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian: Thực hiện từ giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo.

2. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Đối tượng: Kế hoạch được triển khai đến chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, mở rộng phạm vi áp dụng cho cả khu vực không có quan hệ lao động với các ngành nghề, người làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Các hoạt động hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về ATVSLĐ.

1.1. Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế.

1.2. Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; người lao động và người sử dụng lao động.

1.3. Các hoạt động chủ yếu:

- Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ATVSLĐ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chỉ thị, hướng dẫn về ATVSLĐ của tỉnh, của các huyện, thành phố.

[...]