Kế hoạch 49/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020

Số hiệu 49/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2020
Ngày có hiệu lực 03/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Dương Văn Tiến
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Yên Bái, ngày 03 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÂN LUỒNG HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025”, Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của BCH TW Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27 BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020, cụ thể như sau:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025” trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng giúp cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động; góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể liên quan trong việc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau giáo dục trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2020.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể; tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.

- Các ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch tại các địa phương, đơn vị trong năm 2020.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

- Phấn đấu 55,8% trường THCS và 57,7% trường THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

- Phấn đấu 53,2% trường THCS và 61,5% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp (TVHN) đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt tối thiểu 23,5%.

- Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT đi học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt trên 44%.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01, 02, 03 kèm theo)

2. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

- Tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

- Đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc phối hợp với ngành GD&ĐT vận động học sinh tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS và THPT, thực hiện chỉ tiêu phân luồng đảm bảo kế hoạch được giao.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông trại; tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, việc làm; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; tổ chức hoạt động tọa đàm, giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục với các nhà quản lý, chuyên gia tư vấn, doanh nhân, những người thành đạt trong các lĩnh vực nghề; tổ chức kết nối giữa nhà trường phổ thông với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh...

- Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương trong việc tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm 2020, tuyển dụng lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực, các chính sách ưu đãi trong học nghề; tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm... tại các địa phương, có sự tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn.

- Tăng cường giới thiệu, viết tin, bài tuyên truyền về các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh.

2.2. Khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT gắn với việc vận động, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh

- Tổ chức khảo sát thống kê nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THCS của học sinh lớp 9, nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12; định hướng cho học sinh các hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sức học, năng lực, sở trường, nguyện vọng học tập, điều kiện hoàn cảnh gia đình..; đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu học nghề với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động; có biện pháp tư vấn riêng cho từng học sinh.

[...]