Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2704/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2704/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2022
Ngày có hiệu lực 22/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2704/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 22 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 522/QĐ-TTG NGÀY 14/5/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÂN LUỒNG HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”;

Căn cứ Công văn số 3467/VPCP-KGVX ngày 03/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025”;

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án; tiếp tục vừa thực hiện vừa đổi mới, điều chỉnh các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án; phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đặt ra. Tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong xã hội về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Trong đó, tập trung làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025 đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

a) 100% các trường THCS và THPT thực hiện đầy đủ chương trình “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

b) Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;

c) Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;

d) Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%;

e) Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

Với quyết tâm nỗ lực, cố gắng đạt được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra, trên cơ sở các kết quả đã đạt được và với bối cảnh mới, giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ với những giải pháp cụ thể như sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông bằng các biện pháp:

a) Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh hằng năm đều có nội dung về triển khai thực hiện Đề án.

b) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

c) Xây dựng được trang thông tin cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về tuyển sinh, tuyển dụng lao động.

d) Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục phổ thông với các cơ sở đào tạo, GDNN, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân,… để phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả.

2. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông với các giải pháp:

a) Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chương trình, một mặt thực hiện tốt các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục STEM, tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào chương trình các môn học mới; một mặt thực hiện tốt hơn nữa chương trình giáo dục hướng nghiệp đối với những lớp còn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

b) Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện và nhân rộng các mô hình thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng đã có (giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông, giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, giáo dục STEM). Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu triển khai việc xây dựng được một số mô hình thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phù hợp với bối cảnh của địa phương để từ đó nhân rộng ra các nhà trường.

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, nhất là trong việc cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động của địa phương và trong cả nước cho các cơ sở giáo dục, theo dõi học sinh ra trường, hỗ trợ khởi nghiệp.

3. Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học tương xứng với các mục tiêu và giải pháp:

a) Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các cơ sở giáo dục đều có bộ phận kiêm nhiệm quản lý; tất cả giáo viên kiêm nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

[...]