Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÂN LUỒNG HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2025" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án).

- Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tạo bước đột phá về chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị và mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch, xác định lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu đến năm 2020

- Phấn đấu ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

- Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Phấn đấu 50% trường THCS và THPT trở lên có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

- Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Phấn đấu 80% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Phấn đấu 100% giáo viên cốt cán các trường THCS và THPT được bồi dưỡng làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

(Có biểu chi tiết kèm theo)

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực cá nhân và cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội. Tổ chức quán triệt Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân.

- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về chủ trương và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Xây dựng trang thông tin hoặc chuyên mục về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên hệ thống thông tin quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo.

- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp trong và ngoài nhà trường nhằm giúp các bậc cha mẹ học sinh, học sinh nhận thức đúng đắn về việc phân luồng, chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực cá nhân và cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông

- Đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường: Tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn; chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM) phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế.

[...]