Kế hoạch 48/KH-UBND triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2021

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 18/02/2021
Ngày có hiệu lực 18/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Chương trình Năng suất Chất lượng);

Căn cứ Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 16/9/2011 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2021, với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

c) Tạo bước chuyển biến rõ rệt về nâng cao năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 30 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

b) Có trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương được phổ biến, tập huấn, tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

c) Có ít nhất 5 doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực: dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản của địa phương.

d) Có 8 đến 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

đ) Có ít nhất 3 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn tỉnh.

3. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, các sản phẩm mang thương hiệu Huế, các sản phẩm thuộc các ngành ưu tiên phát triển như dược liệu, sản phẩm đạt giải OCOP cấp tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng

a) Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

b) Vận động, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị cho ngành nghề, làng nghề truyền thống.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh, công bố hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, công bố hợp quy và đánh giá phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn đăng ký và sử dụng mã số mã vạch sản phẩm.

2. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng

a) Tổ chức 02 Hội thảo khoa học cấp tỉnh, gồm: (1) Ứng dụng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (2) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi lợn tại huyện Phong Điền.

b) Triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh”.

3. Đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, các sản phẩm mang thương hiệu Huế, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố.

a) Triển khai Đề án “Tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng các hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn theo Tiêu chuẩn HACCP tại 02 cơ sở/doanh nghiệp”.

[...]