Kế hoạch 207/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 207/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2020
Ngày có hiệu lực 05/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/KH-UBND

Yên Bái, ngày 05 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 56/TTr-SKHCN ngày 09/10/2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2030, với nhng nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là năng suất, chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân ttổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Đào tạo, tập huấn cho trên 1.000 cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, các đơn vị cơ sở và doanh nghiệp. Đào tạo cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 10 chuyên gia, cán bộ tư vấn, đánh giá về năng suất và chất lượng hình thành mạng lưới chuyên gia nòng cốt hoạt động chuyên sâu, chuyên nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Ưu tiên đào tạo, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho chuyên gia nòng cốt các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế.

- 50 % số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng.

- Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 5 - 10 %, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) như: HTQLCL ISO 9001; HTQL môi trường ISO 14001; HTQL an toàn thực phẩm ISO 22000, ... cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 5 % so với giai đoạn 2011 - 2020.

b) Giai đoạn 2026 - 2030:

- Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 20 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

- 100 % số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng.

- Hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm. Trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng như: HTQLCL ISO 9001; HTQL môi trường ISO 14001; HTQL an toàn thực phẩm ISO 22000, HACCP...cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 5 % so với giai đoạn 2021 - 2025; có ít nhất 02 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn tỉnh.

3. Yêu cầu

Hoạt động năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, đúng yêu cầu quy định.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức đào tạo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về năng suất chất lượng

- Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Triển khai các hình thức thông tin, truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất, chất lượng cho các cán bộ của các Sở, ngành và doanh nghiệp.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho cán bộ, lãnh đạo của các sở, ngành và doanh nghiệp.

- Tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng.

- Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh

- Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố.

- Htrợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

[...]