Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2021 về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025
Số hiệu | 06/KH-UBND |
Ngày ban hành | 11/01/2021 |
Ngày có hiệu lực | 11/01/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hải Phòng |
Người ký | Lê Khắc Nam |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/KH-UBND |
Hải Phòng, ngày 11 tháng 01 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 10/12/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và Kết luận số 75-KL/TU ngày 26/8/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XV) về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XIV) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:
I. Mục tiêu
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của thành phố trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GRDP của thành phố lên 47% vào năm 2025; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
II. Nhiệm vụ chủ yếu
1. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng
a) Nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện một cách sáng tạo các cơ chế, chính sách về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Trung ương trong điều kiện thực tế của thành phố.
b) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách của địa phương, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, đặc biệt là các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến; áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các nước phát triển trong sản xuất hàng hóa; xây dựng các phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS; chuyển đổi số...
c) Nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng.
2. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất, chất lượng
a) Đẩy mạnh phổ biến, tư vấn, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng; các hoạt động hội nghị, hội thảo, trình diễn, giới thiệu công nghệ, công cụ, giải pháp; các hoạt động tư vấn, tham quan, triển lãm,...
b) Tổ chức, triển khai các trang thông tin điện tử; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; các chương trình truyền thông trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử; in ấn, phát hành các tài liệu truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất, chất lượng.
c) Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn đối sánh và thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác.
d) Định kỳ tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng trên địa bàn thành phố.
đ) Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, chuyển đổi số
a) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến như: ISO 14000, ISO 9001, ISO 22.000, HACCP, TQM, GMP, GAP,...; các công cụ quản lý tiên tiến như 5S, KAIZEN, QCC, SA8000,...
b) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh..,
c) Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
d) Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
đ) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và nâng cấp phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm.
4. Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng
a) Xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định cho thành phố.
b) Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất và chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn.
c) Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động.
d) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
5. Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật