Kế hoạch 476/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 476/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 476/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG NGÀY 01/11/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TRONG XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC, TIẾP CẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CHO THIẾU NHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 20/CT-TTg), với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong thiếu nhi, đặc biệt chú trọng tới thiếu nhi ở vùng miền núi, khu vực biên giới biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; cải thiện môi trường đọc, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện, tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hình thành lối sống lành mạnh cho thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

- Xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp phát triển một cách đồng bộ, bền vững các hoạt động phát triển văn hóa đọc, trong đó tập trung phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg; đồng thời, quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân, học sinh, sinh viên về chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước và địa phương.

- Huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và gia đình nhằm hỗ trợ, chung tay phát triển thư viện, phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi một cách đồng bộ và sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc tại địa phương.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vị trí, vai trò của văn hóa đọc trên các kênh thông tin đại chúng, nhất là trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc. Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình để hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc, năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại hình thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn tỉnh phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

2. Rà soát, xây dựng dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng các huyện, thị xã, thành phố, thư viện trường học; tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc nhằm phục vụ thiếu nhi trên địa bàn tiếp cận, phát triển kỹ năng đọc và xử lý thông tin; đồng thời, khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở.

3. Hàng năm xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, nhất là việc xây dựng thư viện, môi trường văn hóa đọc thân thiện, đạt chuẩn, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; đẩy mạnh thư viện phục vụ lưu động, luân chuyển các đầu sách phục vụ thiếu nhi ở miền núi, biên giới biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; từng bước xây dựng và phát triển thư viện, mô hình văn hóa đọc phù hợp với thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc diện hộ nghèo…).

4. Định kỳ tổ chức các hoạt động sự kiện phục vụ và tăng cường kỹ năng đọc cho thiếu nhi: Xây dựng chương trình phối hợp tăng cường công tác phục vụ lưu động tại các hệ thống thư viện trong lực lượng vũ trang, các điểm bưu điện - văn hóa cấp xã với hoạt động ngày hội đọc sách đến cấp xã, trường học... để thu hút người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi quan tâm đến các dịch vụ thư viện. Phát huy hiệu quả thành tựu các mô hình phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi tại các thư viện (Chương trình hoạt động hè, luân chuyển và phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện, câu lạc bộ bạn đọc, các cuộc thi về sách, chương trình giao lưu sự kiện,...) đang được thực hiện trong thời gian qua, mở rộng quy mô tổ chức và tính liên kết của các mô hình; chú trọng tổ chức các hoạt động sự kiện như: “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4)”; “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”.

5. Xây dựng chương trình, kế hoạch đưa văn hóa đọc vào trường học thông qua “tiết học về văn hóa đọc” như một giờ dạy chính khóa, 01 tiết/tháng trong năm học... phối hợp với hệ thống thư viện công cộng xây dựng chương trình ngoại khóa tham quan, học tập, sử dụng các dịch vụ của thư viện, đồng thời phát động những cuộc thi giới thiệu sách, đọc sách, sáng tác sách và đẩy mạnh công tác biểu dương, khen thưởng cho các học sinh, gia đình có đóng góp nhiều cho phong trào phát triển văn hóa đọc trong trường học; xây dựng kế hoạch trang bị kỹ năng, phương pháp, thói quen đọc sách cho học sinh theo kế hoạch phát triển văn hóa đọc hàng năm để đáp ứng các chỉ tiêu của Đề án Phát triển văn hóa đọc.

6. Hàng năm bổ sung mới nguồn tài nguyên thông tin thư viện cho hệ thống thư viện và tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin về cơ sở: Tiếp tục thực hiện luân chuyển sách tại các điểm bưu điện - văn hóa cấp xã, các địa điểm dân cư sinh sống nơi điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lập kế hoạch bổ sung tài nguyên thông tin truyền thống là tài liệu in, tài nguyên thông tin số là tài liệu điện tử; xây dựng kho sách phục vụ lưu động cho toàn hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện đa ngành và chuyên ngành trên địa bàn.

7. Tạo điều kiện, khuyến khích người làm công tác thư viện được nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp: Xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao trình độ, các kỹ năng nghề nghiệp cho viên chức thư viện, nhất là những người còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm làm công tác phục vụ và các kỹ năng thực hành, phục vụ các hoạt động dành cho thiếu nhi; lãnh đạo, quản lý thư viện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức thư viện được nâng cao năng lực của mình. Ngoài việc hỗ trợ về thời gian, thư viện tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí đào tạo để viên chức thư viện có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc nâng cao năng lực nghề nghiệp của bản thân. Đồng thời, tạo điều kiện cử viên chức thư viện tham gia các khoá học ngắn hạn, các buổi hội thảo chuyên đề, khoá tập huấn về kỹ năng phục vụ thiếu nhi; tham quan thực tế ở các thư viện lớn trong và ngoài nước để giúp họ mở rộng tầm nhìn về nghề nghiệp, có cơ hội được trao đổi học hỏi và tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân.

8. Kịp thời biểu dương, khen thưởng động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và nguồn huy động, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

- Phối hợp với Sở Nội vụ thành lập Hội đồng xét khen thưởng và hướng dẫn tiêu chí khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg theo quy định khen thưởng hiện hành.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ