Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 145-KH/TU về thực hiện Kết luận 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Sơn La, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 145-KH/TU NGÀY 11/01/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN 36-KL/TW VỀ BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Kế hoạch số 145-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Kế hoạch số 145-KH/TU). UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 145- KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm phát huy hiệu quả chủ trương của Đảng về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

- Xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả Kế hoạch số 145-KH/TU.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới

Các tổ chức đảng, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là yêu cầu tất yếu, khách quan, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng trong bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách để huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời chú trọng khuyến khích, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, tiêu, thoát nước đô thị, cấp nước sinh hoạt, liên kết, kết nối nguồn nước, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu, thoát nước, kết hợp phục hồi, chống suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Nghiên cứu đề xuất chính sách, hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, vật tư cho người dân tại các vùng khó khăn về nguồn nước, khan hiếm nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các ngành, các cấp trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tiếp tục rà soát, kiện toàn đơn vị quản lý, khai thác thủy lợi theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý nguồn nước, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt, phòng, chống thiên tai, xây dựng, giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và mặt trái của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp và yêu cầu chuyển đổi số.

Phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn hoặc đe dọa xâm phạm an ninh, an toàn nguồn nước và đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi; bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn có đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước để kích động, phá hoại chống phá Đảng, Nhà nước; huy động lực lượng tham gia xử lý sự cố mất an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước (cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, …).

4. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản

Tiếp tục triển khai điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá về năng lực kết cấu hạ tầng ngành nước, trữ lượng, chất lượng nguồn nước, kịp thời cung cấp số liệu phục vụ công tác lập quy hoạch và quản lý, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch, mức độ bảo đảm an ninh nguồn nước, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, kịp thời giữa các sở, ngành, địa phương.

Hoàn thành lập, rà soát, phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh, tích hợp đầy đủ các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan đến nguồn nước và đập, hồ chứa nước vào quy hoạch chung của tỉnh. Kịp thời rà soát và điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Tăng cường nghiên cứu, đánh giá tác động của các hoạt động phát triển đến dòng chảy và môi trường sinh thái, đặc biệt là các công trình thủy điện nhỏ ở 02 lưu vực sông Đà, sông Mã; tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước, đặc biệt là giải pháp dài hạn cho các khu vực có nguy cơ cao về mất an ninh nguồn nước.

5. Nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh

Xây dựng mới đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, để tích trữ, chuyển nước, giảm ngập lụt, nhất là các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh.

Rà soát cơ cấu, sắp xếp lại quy mô ngành nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước. Hiện đại hóa vận hành hệ thống công trình thủy lợi; áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước; theo dõi, giám sát sử dụng nước để giảm thất thoát, lãng phí nước trong sinh hoạt và sản xuất. Triển khai các giải pháp bổ sung nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt tại các khu vực thường xuyên thiếu nước.

Tiếp tục đầu tư xây dựng công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp, trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, vùng khan hiếm nước. Xây dựng, hoàn thiện công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đô thị, ưu tiên đầu tư cho khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; thực hiện giải pháp tích, trữ nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước

Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp duy tu, bảo dưỡng các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa bảo đảm thoát lũ, trong đó ưu tiên nâng cấp các đập, hồ chứa nước có nguy cơ cao xảy ra sự cố và đập, hồ chứa tại lưu vực tập trung dòng chảy nhanh.

Tiếp tục rà soát, đánh giá nhiệm vụ, quy trình vận hành của đập, hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh ở vùng hạ du; triển khai nạo vét bồi lắng lòng hồ, bảo đảm dung tích phòng lũ của hồ chứa theo thiết kế. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường công tác quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.

[...]