Kế hoạch 23/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 20-CTr/TU thực hiện Kết luận 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 23/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2023
Ngày có hiệu lực 06/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Hồ Kỳ Minh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 06 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 20-CTR/TU NGÀY 07/11/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 36-KL/TW NGÀY 23/6/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5035/SNN-CCTL ngày 07/12/2022 Công văn số 183/SNN-CCTL ngày 17/01/2023 và kết quả lấy ý kiến thành viên UBND thành phố bằng Phiếu theo Công văn số 4892/VP-KT ngày 30/12/2022 của Văn phòng UBND thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quán triệt, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng ngày càng phức tạp như hiện nay.

2. Xác định công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn xã hội. Thông tin, dữ liệu về nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước... phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành thuộc thành phố.

3. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu để các ngành, các cấp cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 45% đến 47%; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường hợp tác với tỉnh Quảng Nam trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nhất là trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo an ninh nguồn nước và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025: Hoàn thành việc lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

b) Đến năm 2030: Cân đối đảm bảo đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình phòng mặn, điều tiết nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông, suối; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; cơ bản khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (thành phố Đà Nẵng) và sông Cu Đê, hệ thống công trình thủy lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước; đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các công trình cấp nước theo quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến cấp nước; quản lý, bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

c) Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; chủ động, phối hợp kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông Vu Gia - Thư Bôn và sông Cu Đê, hệ thống công trình thủy lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên tỉnh, bảo đảm an ninh nguồn nước.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới

a) Các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện công tác này.

b) Phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

a) Các ngành, các cấp thực hiện rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm đồng bộ, khả thi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều và các quy định khác liên quan.

b) Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, đơn vị cấp nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

c) Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước của thành phố và liên kết, kết nối nguồn nước giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm.

d) Kêu gọi nguồn vốn ODA, xây dựng chính sách thu hút nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng công trình; Bố trí đủ nguồn lực, trước hết là ngân sách nhà nước để nâng cấp, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trước các mùa mưa lũ.

đ) Kêu gọi thu hút nguồn vốn ODA, nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước và công trình bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, vật tư cho người dân các vùng khan hiếm nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Bố trí đủ nguồn lực, trước hết là ngân sách nhà nước để nâng cấp, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trước các mùa mưa lũ.

e) Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp trong quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng, chông thiên tai, cấp nước sinh hoạt trong tình hình biến đổi khí hậu tác động ngày càng phức tạp, khó lường.

3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước

a) Chủ động, tăng cường nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; có giải pháp dài hạn cho các vùng có nguy cơ cao về mất an ninh nguồn nước.

b) Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá trữ lượng nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Nam rà soát quy hoạch thủy lợi Vu Gia - Thu Bồn nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố.

[...]