Kế hoạch 447/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình hành động 28-CTr/TU về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 447/KH-UBND
Ngày ban hành 28/08/2018
Ngày có hiệu lực 28/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 447/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 28 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 28-CTR/TU NGÀY 08/5/2018 CỦA TỈNH ỦY ĐẮK NÔNG VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Sau gần 15 năm thành lập tỉnh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có bước phát triển đáng kể. Hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã được củng cố và hoạt động ổn định; nguồn nhân lực y tế ngày càng tăng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng: Số bác sĩ/vạn dân tăng từ 4,1 lên 7,3; tỷ lệ Trạm Y tế xã có bác sĩ tăng từ 46,2% lên 100%; số giường bệnh/vạn dân tăng từ 14,07 lên 17,8 giường bệnh; dược sĩ đại học/vạn dân đạt 0,8 dược sĩ, điều dưỡng viên/vạn dân đạt 19 điều dưỡng; trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân như Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh xây dựng quy mô 300 giường bệnh, BVĐK các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil có quy mô 150 giường; BVĐK huyện Đắk R'Lấp và Tuy Đức quy mô 100 giường bệnh; BVĐK huyện Đắk Glong quy mô 50 giường bệnh, BVĐK huyện Đắk Song quy mô 50 giường bệnh; 8/8 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thị xã đã được xây dựng mới, được đầu tư trang bị thiết bị, phương tiện làm việc; 66,2% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng mới, 47,8% Trạm Y tế đã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được quan tâm, các bệnh dịch được khống chế kịp thời, không để xảy ra dịch lớn, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng hàng năm cho trẻ em luôn đạt từ 90% đến 95%, tiếp tục duy trì tốt công tác thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, 85% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm; điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bước đầu được cải thiện, tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt (>30 người) không xảy ra, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã phát huy hiệu quả, tuổi thọ trung bình đạt 72,24 tuổi, số năm sống khỏe đạt 63 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) đã giảm từ 36,6% xuống còn 21,1%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 45,4% xuống còn 32,9%, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 33,4‰, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi còn 26‰, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành còn 14,9%, tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 75%, chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 163,0cm và đối với nữ đạt 153cm; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được tăng cường; mô hình kết hợp quân dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; quy mô và chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, triển khai được nhiều kỹ thuật mới tại bệnh viện đa khoa tỉnh như kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, kỹ thuật thay khớp (kết hợp xương trên màng hình tăng sáng), kỹ thuật vi phẫu, nội soi tiết niệu, bơm surfactan, thay máu cho trẻ sơ sinh tăng Bilirubin gián tiếp, hồi sức sơ sinh..., đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước chuyển biến tích cực trong các hoạt động, đặc biệt là trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 83%; khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân thuận lợi hơn, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế đạt 43%; mức độ hài lòng với các dịch vụ y tế công ngày càng tăng (đạt trên 80%); công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được quan tâm đặc biệt. Ngoài ra ngành Y tế đã thực hiện tốt Đề án 1816, Chương trình hợp tác phát triển y tế giữa Sở Y tế Đắk Nông và Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020; chính sách tài chính cho ngành Y tế từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe người dân.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nêu trên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế sau:

Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương về vai trò, vị trí của công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa coi công tác này là một trụ cột trong việc góp phần phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng cán bộ y tế chưa đồng đều ở cả 3 tuyến, thiếu cán bộ có trình độ chuyên khoa, chuyên sâu; chủng loại cán bộ y tế còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; một bộ phận cán bộ y tế còn hạn chế về trình độ, năng lực, y đức và tinh thần trách nhiệm chưa cao; cơ sở hạ tầng y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ; chưa có Bệnh viện tư nhân hoạt động để đáp ứng thêm nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT còn rườm rà, phức tạp. Công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn hạn chế và chưa đồng bộ ở các tuyến; chưa có quy hoạch về phát triển dược liệu (hiện nay, việc nuôi trồng dược liệu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh, khó khăn trong quá trình hội nhập). Hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế chậm đổi mới, chưa hoàn thiện theo hướng tinh gọn; chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số sức khỏe nhân dân giữa các vùng, địa phương trong tỉnh còn chênh lệch và còn ở mức thấp so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn trong khi về cơ bản tỉnh ta vẫn còn là một tỉnh nghèo so với mặt bằng chung toàn quốc, các nguồn viện trợ trong và ngoài nước cho tỉnh ngày càng giảm dần; việc đổi mới cơ chế tài chính y tế ở các bệnh viện còn chậm, chưa thực hiện được công tác tự chủ hoàn toàn về tài chính. Công tác xã hội hóa y tế còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều sự đầu tư từ các nguồn lực trong xã hội, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; việc vận động nhân dân tham gia phòng chống bệnh tật và các chương trình như nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phòng chống các bệnh xã hội, ATTP ở một số ít cơ sở hiệu quả chưa cao. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng; nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản.

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết số 139/NQ-CP);

- Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 của Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (gọi tắt là Quyết định số 1624/QĐ-BYT);

- Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 08/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Xll về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (gọi tắt là Chương trình hành động số 28-Ctr/TU);

- Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/6/2017 của ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TU).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ khu vực và cả nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh về cung ứng dịch vụ y tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Tuổi thọ trung bình khoảng 73,04 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 64,6 năm;

- Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 35%;

- Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 30,3‰, dưới 1 tuổi còn 24,1‰;

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 28,4%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 165,4cm, nữ 155,4cm;

- Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

- Đạt 21 giường bệnh viện; 8,9 bác sĩ, 02 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 5%;

- Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

2.2. Đến năm 2030

- Tuổi thọ trung bình khoảng 73,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 65,6 năm;

[...]