Kế hoạch 4351/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 4351/KH-UBND
Ngày ban hành 07/10/2022
Ngày có hiệu lực 07/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4351/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CÁC NGÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 10/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 107-CTr/BCS ngày 23/02/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trên cơ sở Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) đảm bảo huy động được số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo.

- Tạo sự thống nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra đến năm 2025.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phải được triển khai đồng bộ, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền Đề án, Kế hoạch và các chủ trương, chính sách về phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh có quy mô, cơ cấu hợp lý, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, bao gồm: năng lượng sạch; du lịch đẳng cấp cao; nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị; tập trung phát triển chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu đến năm 2025

- Có ít nhất 63% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó: năng lượng chiếm 5,5%; du lịch đẳng cấp cao chiếm 5,5%; nông nghiệp đặc thù chiếm 20,5%; kinh tế đô thị chiếm 68,5%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; lao động có trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đạt trên 22%; cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành: năng lượng chiếm 18%, du lịch đẳng cấp cao chiếm 30,7%, nông nghiệp đặc thù chiếm 14%, kinh tế đô thị chiếm 25%.

b) Định hướng đến năm 2030

- Có ít nhất 68% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó: năng lượng chiếm 7,3%; du lịch đẳng cấp cao chiếm 13,8%; nông nghiệp đặc thù chiếm 20,2%; kinh tế đô thị chiếm 58,7%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%; lao động trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đạt trên 27%; cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành: năng lượng chiếm 20%, du lịch đẳng cấp cao chiếm 32,7%, nông nghiệp đặc thù chiếm 18%, kinh tế đô thị chiếm 30%.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của ngành và địa phương:

Các Sở, ban ngành và địa phương cần bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của ngành và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có quy mô, cơ cấu hợp lý, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm; tập trung phát triển chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thời gian thực hiện: Hàng năm và 5 năm.

2. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm

a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành và toàn xã hội về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; Nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ học vấn; thể lực, tầm vóc nguồn nhân lực

- Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực. Tăng cường kết nối giữa các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng nhân lực để đa dạng nguồn thông tin trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhân lực.

[...]