Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2020 đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 294/KH-UBND
Ngày ban hành 08/10/2020
Ngày có hiệu lực 08/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 294/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 08 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC QUA ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 đạt 80% (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%); từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập thị trường lao động quốc tế. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp (viết tắt là GDNN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo nghề của tỉnh gắn với nhu cầu thị trường lao động.

- Định hướng cho các ngành, địa phương và các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh về công tác tuyển sinh, đào tạo trong giai đoạn tới; có kế hoạch đầu tư, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo đáp ứng cơ bản về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số ngành nghề đạt cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc tế.

2. Yêu cầu

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác GDNN.

- Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

- Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Phát triển hệ thống GDNN cần sự tham gia của Nhà nước; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho GDNN.

- Gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

II. CHỈ TIÊU

1. Trong giai đoạn 2021 - 2025, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 147.500 người; trung bình là 29.500 học sinh, sinh viên, người học nghề/1 năm. Quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng từ 28.500 năm 2021 lên 31.300 năm 2025. Lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 15.000 năm 2021 lên 18.000 năm 2025 đảm bảo phù hợp với quy mô đào tạo từng bước được nâng lên theo quy hoạch cơ sở GDNN của các trường.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%).

( Biểu số 01, 02 và 03 kèm theo).

Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trên 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp và trên 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng có việc làm sau đào tạo.

2. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN; trong đó, có 04 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp. Phát triển Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn đủ điều kiện, tiêu chuẩn cả về quy mô và chất lượng đào tạo là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; các trường có nghề được đầu tư trọng điểm đảm bảo đầu ra đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 250 đến 300 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN trong các cơ sở GDNN, cán bộ trong các doanh nghiệp có nhu cầu trở thành nhà giáo GDNN.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC QUA ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN

Tăng cường thông tin và truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đối với việc phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền và của toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Kế hoạch số 2905/KH-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN

Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quy hoạch theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành nghề), vùng, miền, có phân luồng chất lượng.

Tiếp tục cơ cấu lại hoặc giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả theo quy định của pháp luật hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định. Phân cấp quản lý các cơ sở GDNN công lập theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT- BNV ngày 19/10/2015 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ.

Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN ngoài công lập. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học theo chương trình 9+ tại các cơ sở GDNN.

[...]