Kế hoạch 426/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 189/NQ-CP về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 426/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Ngô Tân Phượng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 426/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 189/NQ-CP NGÀY 16/11/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 08/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 89/TTr-KHCN ngày 08/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển, phấn đấu từng bước đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2030

- Tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 189/NQ-CP tạo sự thống nhất trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới.

- Triển khai việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến và môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Phát triển về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, kinh doanh, dần thay thế sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của tỉnh.

b) Tầm nhìn đến năm 2045

Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; từng bước xây dựng nền công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng GRDP của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 189/NQ-CP tạo sự thống nhất trong nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Tuyên truyền về Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 189/NQ-CP cần được tiến hành với quy mô sâu rộng, với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú và phù hợp với với từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng truyền thông về các thành tựu công nghệ sinh học; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để chủ động khai thác phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chia sẻ thông tin về các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, tiên tiến về công nghệ sinh học.

2. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

a) Rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học hiện có và cập nhật kịp thời, đầy đủ các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

b) Có chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm sinh học có giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược và môi trường; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.

c) Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, cơ chế liên kết giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Phối hợp triển khai, quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

d) Thường xuyên rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

3. Tập trung phát triển, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học, tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh

a) Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực. Hỗ trợ hình thành các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tại chỗ của tỉnh cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

b) Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm.

c) Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản, chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương; từng bước làm chủ quy trình công nghệ và thiết bị đồng bộ trong công nghệ sinh học.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc để chữa trị các loại bệnh hiểm nghèo; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, vắc-xin, thuốc điều trị kịp thời phòng, chống dịch bệnh ở người; nghiên cứu, phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định về an toàn thực phẩm.

[...]