Kế hoạch 42/KH-UBND thực hiện Chương trình giảm nghèo Thành phố Hà Nội năm 2014

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 25/02/2014
Ngày có hiệu lực 25/02/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 42/KH-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2014

Thực hiện Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND Thành phố về việc ban hành Chuẩn nghèo, cận nghèo Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 28/01/2011 của UBND Thành phố về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 29/11/2012 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015, Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 30/11/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết số 18/2013/NQ-HĐND ngày 03/12/2013 của HĐND Thành phố Hà Nội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của Thành phố Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2013 như sau:

I. THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO.

1. Về số liệu hộ nghèo, cận nghèo.

Theo chuẩn nghèo, cận nghèo của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, tại thời điểm tháng 01/2014, toàn Thành phố có:

- 45.732 hộ nghèo, với 147.589 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,66% tổng số hộ dân cư, trong đó:

+ Khu vực thành thị (phường, thị trấn) có 5.851 hộ nghèo (tỷ lệ 0,86%); khu vực nông thôn (xã) có 39.811 hộ nghèo (tỷ lệ 3,84%). Số hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo toàn Thành phố.

+ Có 17.373 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương (thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn), chiếm 37,99% tổng số hộ nghèo của Thành phố và chiếm 1,1% tổng số hộ dân cư;

+ Có 9 hộ nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp hàng tháng diện người có công với cách mạng tại 03 huyện, gồm: Sóc Sơn (4 hộ), Mê Linh (3 hộ) và Gia Lâm (2 hộ),

+ Có 16.075 hộ nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, chiếm 35,2% tổng số hộ nghèo, phần lớn không có khả năng thoát nghèo.

+ Đặc biệt, có 2.556 hộ nghèo tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi, chiếm tỷ lệ 5,6% tổng số hộ nghèo và 9,35% tổng số hộ dân cư của 14 xã miền núi, dân tộc.

- Có 43.718 hộ cận nghèo, với 160.577 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,55% tổng số hộ dân, trong đó có 222 hộ cận nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc diện người có công và 6.505 hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

2. Về tỷ lệ hộ nghèo của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn:

- Có 09 quận có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là quận Thanh Xuân (0,23%). Đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Ba Vì (7,92%).

- Có 04 phường, thị trấn không còn hộ nghèo (Phường Phú La - quận Hà Đông; phường Quảng An, phường Tứ Liên quận Tây Hồ; thị trấn Sóc Sơn huyện Sóc Sơn); Có 128 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; 03 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 25%; 01 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên (xã Ba Vì, huyện Ba Vì tỷ lệ 35,73%).

II. MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO NĂM 2014.

- Tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo diện chính sách người có công và hỗ trợ giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã miền núi, xã giữa sông, xã, thôn đặc biệt khó khăn, lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn Hà Nội.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố từ 0,5% đến 0,8%.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã vùng dân tộc, miền núi từ 1,5 - 1,8%.

III. NỘI DUNG.

Triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; Phát huy những kết quả đã đạt được; Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo năm 2014. Trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Hỗ trợ hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

1.1. Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.

- Tiếp tục cung ứng nguồn vốn, đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ đều được vay từ nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý với lãi suất và mức phí ưu đãi theo quy định. Mức vay tối đa đến 30 triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là thành viên gia đình hộ nghèo, hộ có thu nhập bằng 150% hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính (do tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh) vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để góp phần trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường.

- Đảm bảo thành viên của hộ nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đều được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội, thông qua các hội đoàn thể, vốn khuyến công, khuyến nông.

1.2. Thực hiện Chương trình khuyến công, khuyến nông.

[...]