CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 74/2013/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 07 năm 2013
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 49/2010/NĐ-CP NGÀY 14
THÁNG 5 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC
TẬP VÀ CƠ CHẾ THU, SỬ DỤNG HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC
QUỐC DÂN TỪ NĂM HỌC 2010 - 2011 ĐẾN NĂM HỌC 2014 - 2015
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005;
Căn cứ Luật dạy nghề ngày 29 tháng
11 năm 2006;
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh
ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2009/QH12
Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ V về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế
tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 -
2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của
Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu,
sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm
học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015,
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định
về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối
với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến
năm học 2014 - 2015 như sau:
1. Khoản 1 Điều 4
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Người có công với
cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi
người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp
lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.”
2. Bãi bỏ quy định tại Khoản 2
Điều 4.
3. Khoản 5 Điều 4 được sửa đổi
như sau:
“5. Trẻ em học mẫu
giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ.”
4. Khoản 9 Điều 4
được sửa đổi như sau:
“9. Học sinh, sinh
viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc
thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”
5. Bổ sung Khoản
10, Khoản 11 và Khoản 12 của Điều
4 Đối tượng miễn học phí như sau:
“10. Sinh viên học
chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
11. Học sinh, sinh
viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh.
12. Học sinh, sinh
viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn và đặc biệt khó khăn.”
6. Khoản 1 Điều 5 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“1. Các đối tượng
được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung
đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.”
7. Điểm b Khoản 2 Điều 5 được
sửa đổi như sau:
“b. Trẻ em học mẫu
giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ.”
8. Điểm c Khoản 2 Điều 5 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
“c. Học sinh tốt
nghiệp trung học cơ sở đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp.”
9. Bãi bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 6.
10. Khoản 3 Điều 6 được sửa đổi
như sau:
“3. Trẻ em học mẫu
giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ.”
11. Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“2. Nhà nước thực
hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục
nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm
học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí (Mức cấp bù học phí
cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo các nhóm ngành nghề
được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính
phủ). Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng
thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập (theo mức học
phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông;
theo mức học phí quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP tương ứng với các nhóm
ngành, nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học).”
12. Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“1. Đối với giáo dục
mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều
kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.”
13. Khoản 4 Điều 11 được sửa đổi
như sau:
“4. Các cơ sở giáo
dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học
phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
cho phép đồng thời phải thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định.”
14. Khoản 6 Điều 12 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“6. Học phí đối với
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các doanh nghiệp nhà nước:
Căn cứ vào chi phí đào tạo, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức thu học
phí cho các nhóm ngành theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo và báo
cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi thực
hiện. Riêng đối với các chuyên ngành đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ, mức
học phí phải theo khung quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Mức học phí phải
công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học để người học biết trước khi
tuyển sinh (Trường hợp người học thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các doanh nghiệp nhà nước,
Nhà nước sẽ cấp bù học phí theo mức trần học phí tương ứng với các nhóm ngành,
nghề quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP).”
15. Khoản 7 Điều 12 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“7. Học phí theo
phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng
cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo. Học phí đối với các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng ngắn hạn khác theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và người học.”
Điều 2. Trách nhiệm
thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng
dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 3. Hiệu lực
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.
2. Bãi bỏ việc trợ cấp, miễn, giảm học
phí cho các đối tượng quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 33 của
Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục.
3. Bãi bỏ Khoản 2 Điều
2 Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính
phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền
thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|