Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2022 về khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2021, nâng cao Chỉ số năm 2022 và những năm tiếp theo do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 416/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2022
Ngày có hiệu lực 01/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 01 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH NĂM 2021, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂM 2022 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (viết tắt theo tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Chỉ số này do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện đánh giá.

Chỉ số PAPI có 08 chỉ số nội dung với 28 nội dung thành phần, điểm tối đa là 80 điểm trên 08 chỉ số nội dung, mỗi chỉ số nội dung có điểm tối đa là 10 điểm; được phân theo nhóm, có 04 nhóm gồm: Nhóm đạt điểm cao nhất; nhóm đạt điểm trung bình cao; nhóm đạt điểm trung bình thấp; nhóm đạt điểm thấp nhất.

Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đạt 42,153/80 điểm, giảm 0,567 điểm so với năm 2020; tính điểm từ cao đến thấp xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, giảm 02 bậc so với năm 2020; ở nhóm thứ 3 là nhóm đạt điểm trung bình thấp.

Những kết quả đạt được trong năm qua là tích cực, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

- 04/8 chỉ số nội dung đạt điểm thấp so với điểm tối đa, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,86/10 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,25/10 điểm; Quản trị môi trường đạt 3,65/10 điểm; Quản trị điện tử đạt 2,58/10 điểm. Có 02/8 chỉ số nội dung xếp ở nhóm điểm thấp nhất, là: Thủ tục hành chính công và Quản trị điện tử; chưa có chỉ số nội dung xếp ở nhóm điểm cao nhất.

- Trong 28 nội dung thành phần chưa có nội dung thành phần đạt điểm tối đa và còn một số nội dung thành phần đạt điểm thấp, gồm: Tri thức công dân 0,66/2,5 điểm; Đóng góp tự nguyện 0,96/2,5 điểm; Tiếp cận thông tin 0,84/2,5 điểm; Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân 0,57/3,3 điểm; Chất lượng nước 0,79/3,3 điểm; Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương 0,46/3,4 điểm; Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử 0,44/3,3 điểm.

Để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số PAPI năm 2021, nâng cao Chỉ số năm 2022 và những năm tiếp theo như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy sự tham gia giám sát của người dân vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chỉ số PAPI của tỉnh, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị hành chính công trên 08 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh xếp hạng ở vị trí cao hơn năm 2021 và tiếp tục cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng trong những năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

Thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI cần gắn với thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh. Đồng thời, gắn với việc cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) cấp tỉnh.

Tổ chức triển khai có hiệu quả đồng bộ cả 08 chỉ số nội dung Chỉ số PAPI tại các cấp chính quyền của tỉnh.

Có sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy, các tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện; trong đó trọng tâm là các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện các chỉ số nội dung nâng cao Chỉ số PAPI cấp tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ 08 chỉ số nội dung PAPI, cụ thể:

1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Thực hiện các phương thức phù hợp để người dân được tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Phát huy quyền làm chủ của người dân trong thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

2. Công khai, minh bạch: Thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân; thực hiện giải đáp, xử lý kịp thời, đúng quy định những ý kiến của người dân.

3. Trách nhiệm giải trình với người dân: Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; tăng cường các phương thức tương tác giữa chính quyền và người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Tiếp tục kiểm soát tham nhũng trong chính quyền các cấp, các dịch vụ công; đặc biệt các lĩnh vực thiết yếu liên quan đến đời sống dân sinh, như: y tế, giáo dục, tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.

5. Thủ tục hành chính công: Nâng cao chất lượng rà soát đơn giản hóa và giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, chú trọng các thủ tục hành chính: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, chứng thực, xác nhận và các dịch vụ hành chính ở cấp xã. Đẩy mạnh việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

6. Cung ứng dịch vụ công: Nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu liên quan đến người dân, như: y tế công lập, giáo dục công. Cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, như: điện, đường, nước sạch, quản lý rác thải, an ninh trật tự...

7. Quản trị môi trường: Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường sống của người dân xanh, sạch; cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

[...]