Kế hoạch 164/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2022

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2022
Ngày có hiệu lực 13/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (PAPI) CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Ngày 10/5/2022, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021. Kết quả, Hà Nội đạt điểm số 44,45 điểm, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2020. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ Nhân dân của chính quyền các cấp, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền Thành phố, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; cải thiện, nâng cao về thực chất Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội; phấn đấu Chỉ số PAPI của Thành phố năm 2022 ổn định về thứ hạng và điểm số so với năm 2021.

- Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo từ Thành phố đến cơ sở về Chỉ số PAPI; gắn trách nhiệm tham mưu, tổ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các Sở, ngành Thành phố với kết quả các Chỉ số nội dung thuộc Chỉ số PAPI năm 2022; góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch được triển khai, tổ chức thực hiện rộng khắp ở tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, đến cấp xã, phường, thị trấn; nội dung gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tổ chức các hoạt động thực chất, hiệu quả; kết hợp với các nội dung liên quan công tác Cải cách hành chính, Dân vận chính quyền, xây dựng và thực hiện Dân chủ ở cơ sở; linh hoạt trong quá trình thực hiện phù hợp với các điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt về nhận thức trong các cấp lãnh đạo từ Thành phố đến cơ sở về ý nghĩa, bản chất của Chỉ số PAPI, những lợi ích của Chỉ số mang lại đối với công tác điều hành của chính quyền các cấp. Trên cơ sở phân tích kết quả về điểm số các chỉ số nội dung và nội dung thành phần, các cơ quan, đơn vị xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, những hạn chế, tồn tại trên từng lĩnh vực, từng thước đo cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu, đột phá nhằm tiếp tục cải thiện và đổi mới phương thức phục vụ nhân dân trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

2. Bám sát nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 04/8/2021 của UBND Thành phố về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội 2021-2025; trên cơ sở phân tích kết quả Chỉ số PAPI năm 2021; các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch năm 2022 trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể; chủ động trong thực hiện và phối hợp giữa các đơn vị, địa phương. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể cần bám sát Kế hoạch, chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng nhiệm vụ (Phụ lục 1 - Nhiệm vụ cụ thể).

a) Các Sở, cơ quan tương đương Sở

Các Sở, cơ quan tương đương Sở được Thành phố giao trách nhiệm chủ trì tham mưu đối với các chỉ số nội dung, nội dung thành phần giảm điểm so với năm 2020, hoặc trong nhóm thấp nhất cả nước (nhóm 4) xây dựng báo cáo phân tích chi tiết, chỉ rõ yếu tố là nguyên nhân gây giảm điểm hoặc điểm số thấp và bổ sung vào nhiệm vụ năm 2022 các giải pháp khắc phục, có định lượng cụ thể.

b) UBND các quận, huyện thị xã

- Tăng cường tuyên truyền tới người dân, từng khu dân cư, tổ dân phố về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và địa phương; phổ biến các chính sách của nhà nước, quy định của Thành phố, địa phương, những nội dung liên quan quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp tới người dân, cung cấp thông tin về hoạt động của bộ máy chính quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bộ phận chuyên môn, các vị trí lãnh đạo, quản lý của địa phương.

- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền về xây dựng và thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc bầu cử các cơ quan, tổ chức, cá nhân diện cho người dân ở các cấp; bàn bạc, đóng góp ý kiến, quyết định của người dân theo quy định; đảm bảo quyền được khuyến khích người dân phát huy vai trò, trách nhiệm đóng góp ý kiến, động viên, cổ vũ, giám sát chính quyền.

- Thực hiện đầy đủ, trách nhiệm các quy định về công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình đối với người dân; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết Thủ tục hành chính tại xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp, đối ứng trách nhiệm với các ngành chức năng, các đơn vị, tổ chức có liên quan để nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích phục vụ nhân dân (khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế; giáo dục tiểu học; hạ tầng căn bản, dịch vụ tư pháp ...); phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, quản trị điện tử; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

3. Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; chủ động trong tự kiểm tra; chú trọng kiểm tra đột xuất đối với cấp dưới, cấp trực thuộc.

- Linh hoạt trong hình thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra; lồng ghép phù hợp việc kiểm tra thực hiện nội dung cải thiện Chỉ số PAPI vào nội dung kiểm tra của các đoàn công tác khác trên cùng địa bàn, như công tác CCHC, Dân vận chính quyền, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Kiểm tra đi đôi với việc hướng dẫn chuyên môn; chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở; chỉ đạo hoặc kiến nghị khắc phục các tồn tại có thời hạn cụ thể; tăng cường tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị đã được kiểm tra trước đây.

4. Chính quyền các cấp chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch và các nhiệm vụ khác trên địa bàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, cơ quan tương đương Sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã

Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện theo nhiệm vụ và thẩm quyền, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, đơn vị.

- Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch này, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cấp, đơn vị mình. Định kỳ báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ tổng hợp, email: phongcchc_sonv@hanoi.gov.vn) về kết quả thực hiện Kế hoạch và nhiệm vụ (chuyên đề) được giao (Báo cáo kết quả lồng ghép trong Báo cáo CCHC định kỳ hàng quý, năm 2022 của cơ quan, đơn vị).

[...]