Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 4144/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 tại thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 4144/KH-UBND
Ngày ban hành 16/05/2014
Ngày có hiệu lực 16/05/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Huỳnh Đức Thơ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4144/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 16 tháng 5 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, UBND thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ PCBLGĐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG THỜI GIAN QUA

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Luật PCBLGĐ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc”Triển khai thi hành Luật PCBLGĐ”. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung của Luật được chú trọng, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, cộng đồng xã hội và gia đình trong việc đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình, nhiều địa phương, đơn vị đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giáo dục răn đe các hành vi bạo lực gia đình; tư vấn, hòa giải và tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân khi có nạn bạo hành xảy ra, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Năm 2013, trên địa bàn thành phố có 81% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ; 70% cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ; 50% số lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp phường, xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ. Đến năm 2013, trên địa bàn thành phố có 70% nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; 70% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.

Hiện nay, 24/56 phường, xã (42, 85%) trên địa bàn thành phố có mô hình PCBLGĐ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCBLGĐ tại các tổ dân phố (TDP), thôn; hòa giải, tư vấn cho các hộ gia đình có tình trạng bạo lực gia đình nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình tại cơ sở; 56/56 phường, xã xây dựng được đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình thông qua số điện thoại của UBND, công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, tổ trưởng TDP và số điện thoại của cảnh sát khu vực.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra, theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố qua các năm như sau: năm 2009: 334 vụ, năm 2010: 183 vụ, năm 2011: 120 vụ, năm 2012: 239 vụ, năm 2013: 178 vụ. Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình phần lớn là phụ nữ.

Có nhiều nguyên nhân của hành vi bạo lực gia đình, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: tư duy phong kiến, trọng nam khinh nữ, phần đông mọi người coi bạo lực gia đình là”việc riêng của mỗi gia đình” và”tự giải quyết nội bộ gia đình”; kinh tế gia đình khó khăn gây mất hạnh phúc trong gia đình; một số trường hợp do người chồng thường xuyên say rượu, ghen tuông và không hiểu biết về pháp luật…

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác PCBLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố.

2. Các mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80% và đến năm 2020 đạt trên 90% số cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp phường, xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% số nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 90% và đến năm 2020 đạt trên 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt 100% số xã, phường nhân rộng mô hình PCBLGĐ.

III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PCBLGĐ.

- Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác PCBLGĐ. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên công tác gia đình và PCBLGĐ tại cơ sở.

- Định kỳ 6 tháng, 01 năm kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về PCBLGĐ; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong công tác PCBLGĐ.

- Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình và PCBLGĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về công tác gia đình và PCBLGĐ do Trung ương tổ chức.

- Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá tình hình triển khai mô hình PCBLGĐ trên địa bàn thành phố.

- Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCBLGĐ.

[...]