Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2020
Ngày có hiệu lực 20/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Dương Văn Tiến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Yên Bái, ngày 20 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, công tác dân số của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận thức và thực hành của người dân về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đã có những chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con ngày một được chấp nhận rộng rãi; đã khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2 điểm phần trăm/năm; một số mô hình về nâng cao chất lượng dân số đã được xây dựng và thực hiện có hiệu quả... Đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số của tỉnh còn một số khó khăn và thách thức như: Mức sinh cao, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức sinh của tỉnh Yên Bái là 2,74 con/bà mẹ, đứng thứ 3 trong 12 tỉnh có mức sinh cao nhất toàn quốc; chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp; mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao so với mức bình quân của cả nước; lợi thế của dân số vàng được quan tâm nhưng khai thác chưa hiệu quả; dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng; tổ chức bộ máy làm công tác dân số có nhiều biến động, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Từ những khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác dân số của tỉnh Yên Bái, trong thời gian tới cần xây dựng một kế hoạch hành động thiết thực giải quyết những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề mới phát sinh theo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN QUA

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Quy mô dân số và mức sinh

Theo số liệu tổng điều tra dân số đến ngày 01/4/2019, quy mô dân số tỉnh Yên Bái là 821.030 người.

Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh giảm từ 19,4‰ năm 2011 xuống còn 18,8‰ năm 2019; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân hàng năm khoảng 10% tổng số trẻ sinh.

2. Cơ cấu dân số

Yên Bái đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động hơn gấp đôi số người phụ thuộc, tỷ trọng người 15 - 64 tuổi chiếm 64,6% tổng dân số. Nằm trong xu thế chung của cả nước, dân số Yên Bái đã bước vào thời kỳ già hóa, số người trên 65 tuổi chiếm 6,8% tổng dân số.

Đã bước đầu kiểm soát được mức tăng tỷ số giới tính khi sinh, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, năm 2019 tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

3. Chất lượng dân số

Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh đang từng bước được cải thiện. Tuổi thọ bình quân 69,58 tuổi tăng thêm 0,88 tuổi so với năm 2009; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2019 là 8,4‰ (năm 2011 là 10‰); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2019 là 17% (năm 2011 là 21,17%), suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2019 là 27% (năm 2011 là 32,52%); tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt khoảng 50%; số cặp tảo hôn tại các huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu năm sau giảm hơn năm trước bình quân khoảng 2%/năm; 50% phụ nữ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến 1.

4. Phân bổ dân số

Theo kết quả tổng điều tra dân số, trong 10 năm dân số thành thị tăng 22.395 người (tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,54%/năm), nông thôn tăng 67.730 người (tỷ lệ tăng dân số bình quân 0,91%/năm).

Tỷ suất nhập cư của tỉnh Yên Bái năm 2019 là 8,1‰, giảm 2,6‰ so với năm 2009. Tỷ suất xuất cư của tỉnh Yên Bái năm 2019 là 30,6‰, giảm 0,7‰ so với năm 2009 (31,3‰).

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số

Công tác truyền thông về dân số được đông đảo các lực lượng trong xã hội tham gia, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán của cộng đồng.

Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã đưa nội dung truyền thông về dân số lồng ghép vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, dưới nhiều hình thức phù hợp. Các mô hình truyền thông có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

Các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông của tỉnh đã tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến... Thông tin về dân số được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh... Chú trọng huy động sự ủng hộ, tham gia tuyên truyền, vận động của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, gia đình, các chức sắc tôn giáo. Hoạt động tuyên truyền tại khu dân cư tiếp tục được đẩy mạnh thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn, bản. Lồng ghép truyền thông thay đổi hành vi về dân số vào sinh hoạt ngoại khóa trong các trường phổ thông. Nhân bản và cung cấp hơn 100 nghìn các sản phẩm truyền thông dân số như tờ rơi, tranh gấp, sách mỏng, đĩa CD, VCD và gần 5 nghìn băng zôn, pano khẩu hiệu. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về dân số đã có những chuyển biến tích cực: 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của dân số - sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

6. Dịch vụ dân số

Về tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân.

Tuyến huyện: Các Trung tâm Y tế đã đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu toàn diện; thực hiện tốt vai trò chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình lưu động tại cơ sở.

Tuyến xã: Đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu cơ bản, 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% trạm y tế xã đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh.

Về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình: Đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân. Tổ chức cấp các phương tiện tránh thai ở kênh miễn phí và cung ứng phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa. Mở rộng hoạt động tiếp thị các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (thuốc uống tránh thai, bao cao su) thông qua mạng lưới phân phối phương tiện tránh thai phi lâm sàng dựa vào cộng đồng.

[...]