Kế hoạch 226/KH-UBND năm 2017 về hành động thực hiện chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 226/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2017
Ngày có hiệu lực 23/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 226/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VÀ SỨC KHỎE SINH SẢN VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Qua hơn 05 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 81/2012/HĐND, ngày 10/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 16/8/2012, của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và năm 2016. Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu khả quan, đã tăng số đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai, tổng số cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai năm 2015 là 259.615 trường hợp và năm 2016 là 262.571 trường hợp, chiếm 78,21% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tăng 22.116 trường hợp, tăng 0,61% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai so với năm 2011 (240.455 trường hợp, chiếm 77,60% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Duy trì được mục tiêu giảm sinh, tỷ suất sinh thô năm 2015 còn 12,25 ‰ giảm 1,2‰ so với năm 2011 và năm 2016 còn 10,63‰, giảm 2,82‰ so với năm 2011. Tỷ lệ sinh con thứ ba năm 2015 còn 4,06 %, giảm 0,15% so với năm 2011 (4,21 %) và năm 2016 còn 3,83%, giảm giảm 0,38% so với năm 2011. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì mức: 0.97 % (năm 2011) giao động lên: 0,98 % (năm 2015 và năm 2016). Số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt ở mức thấp: 1,91 con/bà mẹ (năm 2015) và 1,84 con/bà mẹ (năm 2016); Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 106,20 bé trai/100 bé gái (năm 2011) giảm xuống mức 103,87 bé trai/100 bé gái (năm 2015) và năm 2016 là 103,91 bé trai/100 bé gái. Sàng lọc trước sinh hàng năm đều tăng, năm 2015 đạt 43,71% / tổng số bà mẹ mang thai, đạt 218,55% chỉ tiêu Nghị quyết và năm 2016 chiếm 52,70%/tổng số bà mẹ mang thai, tăng 51,42% so với năm 2011. Sàng lọc sơ sinh được triển khai mở rộng trong toàn tỉnh, năm 2015 số trẻ được thực hiện xét nghiệm đạt 19,19% tổng số trẻ sơ sinh, đạt 63,97% chỉ tiêu Nghị quyết (30%); tăng 11,44 so với năm 2011. Tỷ số tử vong bà mẹ giảm dần, còn 15,50/100.000 trẻ đẻ sống, giảm 10,18/100.000 trẻ đẻ sống so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (23/100.000 trẻ đẻ sống). Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2015 còn 2,10‰, so với năm 2011 (4,23‰) giảm 2,13‰; Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi năm 2015 còn 4,1‰ vượt chỉ tiêu Nghị quyết (7,20‰), so với năm 2011 giảm 3,77‰. Nhờ cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí đúng đối tượng quy định và tăng cường thực hiện tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, tỷ lệ phá thai năm 2015 còn 21,70%, vượt chỉ tiêu nghị quyết (30/100 trẻ đẻ sống), so với năm 2011 (35,24) giảm 13,54%. Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản năm 2015 còn 19,16 %, giảm 8,37% so với năm 2011 (Nghị quyết giảm 10%). Sàng lọc ung thư cổ tử cung được quan tâm, năm 2015 thực hiện đạt 5,82 % /số người khám phụ khoa và khám ung thư vú cho phụ nữ tuổi sinh đẻ và mãn kinh đạt 61,9% /số người khám phụ khoa (chỉ tiêu Nghị quyết 15%). Mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ thân thiện thanh thiếu niên với tên “Dấu hỏi xanh” tại 08 huyện chiếm 61,5 % vượt chỉ tiêu Nghị quyết (20%). Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số 168-KH/UBND, ngày 18 tháng 11 năm 2013 thực hiện Chương trình hành động về người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2017, đến năm 2015 có 19/19 (đạt 100%) cơ sở y tế có số giường bệnh 50 trở lên thành lập khoa lão khoa để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (90%) đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn 04 chỉ tiêu nghị quyết chưa đạt như: sàng lọc sơ sinh thực hiện 63,97% (19,19/30%); nhiễm khuẩn đường sinh sản đạt 83,7% (8,37%/10%); tầm soát ung thư cổ tử cung đạt 38,8% (5,82 %/15%); phá thai tăng 2,4% (năm 2015 là 5,9%).

Thông qua Nghị quyết 81/2012/NQ-HĐND, ngày 10/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về “Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 16/8/2012 đã tác động mạnh mẽ và giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác dân số và sức khỏe sinh sản và xác định công tác Dân số-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản là một bộ phận quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị; là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Từ đó đã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền vận động ở các ngành, các địa phương tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách Dân số - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội; đời sống vật chất tinh thần và sức khỏe của mọi người dân ngày càng được nâng cao...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những thách thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã tác động đến sự phát triển bền vững của chương trình như: quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; tỷ suất sinh giảm nhưng không bền vững; tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh chiếm trên 10,80% nguy cơ tăng nhanh tiến độ già hóa dân số. Tuy tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở mức thấp (dưới 5 % so toàn quốc) và tổng tỷ suất sinh (TFR: 1,84 con/bà mẹ) đã dưới mức sinh thay thế, nhưng vẫn còn dao động do nhiều yếu tố tác động; trong đó yếu tố lớn nhất là tư tưởng phong kiến, nho giáo lỗi thời theo phong tục, tập quán trọng con trai; sinh con có trai, có gái còn ảnh hưởng nặng trong một bộ phận dân cư theo quan niệm của dân gian năm “tốt”; tư tưởng sinh con trừ hao đề phòng rủi ro vẫn tồn tại không ít trong nhân dân.

Mặc dù mức sinh có giảm nhưng chưa bền vững, quy mô dân số của tỉnh còn ở mức cao và chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua chỉ tập trung giải quyết căn bản vấn đề giảm sinh thông qua việc tăng số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai mà chưa quan tâm nhiều đến các khía cạnh khác của dân số như: Cơ cấu và chất lượng dân số…Ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục còn hạn chế; mặt khác phần đông dân số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm nông nghiệp nên tỷ lệ mắc các bệnh viêm, nhiễm đường sinh sản còn cao.

Từ thực trạng và thách thức nêu trên, cần phải tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có mối liên hệ với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược quốc gia thuộc các lĩnh vực khác.

B. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

I. Cơ sở pháp lý và những vấn đề cần giải quyết

1. Cơ sở pháp lý:

Kết luận số 119-KL/TW, ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.

Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Chỉ thị số 04/CT-BYT, ngày 15/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Quyết định số 7539/QĐ-BYT ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020.

Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.

Công văn số 414-CV/TU ngày 24/3/2009 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.

Nghị quyết số 07/2009/NQ-HĐND ngày 09/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Nghị quyết số 66/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bãi bỏ Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 02/7/2010 về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 07/2009/NQ-HĐND ngày 09/7/2009 của Hội đồng nhân dân Tỉnh; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2009/NQ-HĐND ngày 09/7/2009 về đẩy mạnh, thực hiện các giải pháp, chính sách Dân số Kế hoạch hóa gia đình và Nghị quyết số 82/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án xây dựng hệ thống nhân viên y tế khóm, ấp giai đoạn 2012 - 2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp..

Nghị quyết số 121/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2017-2010 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Những vấn đề cần giải quyết

2.1. Về mức sinh và quy mô dân số:

Đồng Tháp hiện tại đã duy trì mức thấp hợp lý (TFR: 1,84 con) dưới mức sinh thay thế); tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn còn dao động có xu hướng tăng từ 4,21% (năm 2011) giảm xuống 4,07 % (năm 2013), nhưng tăng lên 4,11 % (năm 2014) và giảm còn 4,06% (2015).

Phụ nữ có chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng số lượng, tuy nhiên tỷ lệ dao động và giảm dần theo từng năm: 77, 60% (năm 2011) giảm xuống 75,38% (năm 2014) và tăng lên 79,28% (năm 2015) và 78,21% năm 2016.

Đồng Tháp đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số giới tính khi sinh dao động và có xu hướng gia tăng: 104,8 bé trai/100 bé gái (năm 2010); 105,6 bé trai/100 bé gái (năm 2012). Với tỷ suất sinh giảm, tỷ số giới tính khi sinh sẽ có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: dư thừa nam giới, thiếu nữ giới ở độ tuổi kết hôn có thể dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn; dự báo sẽ gia tăng bất bình đẳng giới; phụ nữ kết hôn sớm, tăng tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; lạm dụng và bạo hành giới; buôn bán phụ nữ/trẻ em gái.

2.2. Về cơ cấu dân số:

Từ năm 2013, Đồng Tháp đã và đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” (thời gian của giai đoạn dân số vàng khoảng 30 năm). Cùng lúc với giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, dân số Đồng Tháp cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số” (tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10%) từ năm 2013. Dân số già bao gồm phần lớn người cao tuổi là nông dân, làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. Xu hướng gia đình truyền thống của người Việt đang chuyển sang gia đình hạt nhân. Dân số người cao tuổi ngày càng nhiều thì tỷ lệ phụ thuộc càng cao, tỷ lệ bệnh mãn tính càng cao.

2.3. Về chất lượng dân số:

[...]