Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2017 phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2017
Ngày có hiệu lực 19/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Trần Ngọc Thực
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 19 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Văn bản số 8410/BCT-TMĐT ngày 09/9/2016 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa phương giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG VÀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Tình hình thực hiện

Sau 05 năm thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 12/11/2010 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển phù hợp với xu hướng và tình hình phát triển thương mại chung của khu vực và cả nước. Nhận thức về vai trò, lợi ích của thương mại điện tử của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao đáng kể. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh được quan tâm và triển khai ứng dụng rộng rãi, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý và đặc biệt là phục vụ công tác cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đạt mức độ phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, đã thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/7/2010. Đến nay, đã có 669 doanh nghiệp đã đăng ký thành công (ở mức độ 2). 100% các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có mạng nội bộ (LAN), trên 90% cơ quan, đơn vị thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng. Toàn tỉnh có 39 trang web riêng của các cơ quan, đoàn thể, sở, ban, ngành. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển Sàn Giao dịch Thương mại điện tử Tuyên Quang nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá về doanh nghiệp, về sản phẩm trên mạng Internet. Một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đang triển khai xây dựng và phát triển các website bán hàng trực tuyến như: Bưu điện tỉnh, Siêu thị Tuyên Quang (thuộc Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang), Cửa hàng Đồng hồ Đức Chính...

Về cơ sở hạ tầng thông tin và mạng lưới viễn thông, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet; 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động. Bước đầu đã triển khai công nghệ FTTH (FTTx) (truy cập Internet tốc độ cao bằng cáp quang). Tổng số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 9/2016 là 32.749 thuê bao, trong đó số doanh nghiệp, hộ dân là 13.568 thuê bao.

Trong hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, sử dụng có hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng, lắp đặt máy giao dịch tự động ATM và các trang thiết bị phục vụ thanh toán khác. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các dịch vụ như: Vấn tin tài khoản, tra cứu số dư, chuyển khoản, rút tiền qua thẻ, thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến, thanh toán hóa đơn tiền điện, truyền hình cáp, viễn thông... các dịch vụ E-mobile Banking cho điện thoại, các dịch vụ trả lương qua thẻ, internet banking... Đến thời điểm tháng 10/2016, trên toàn tỉnh đã có 46 máy ATM, 82 máy POS, số lượng thẻ do 06 ngân hàng thương mại của tỉnh đã phát hành là 153.846 thẻ, đã có 654/981 cơ quan, đơn vị thực hiện trả lương qua thẻ (đạt 68%), 6/6 ngân hàng thương mại đã triển khai dịch vụ thuế điện tử.

Trong hoạt động khai thuế và nộp thuế điện tử trên địa bàn tỉnh, đã có 1.115 doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng; 1.047 doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử thành công.

Trong lĩnh vực hải quan, Chi cục Hải quan Tuyên Quang cũng đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) được kết nối với hệ thống công nghệ thông tin trong các hoạt động về hải quan và thực hiện đầy đủ cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa khu vực ASEAN.

2. Hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã phát triển đạt được những kết quả tích cực nhưng trong triển khai vẫn còn ở mức nhỏ, sơ khai, sự hỗ trợ, tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển còn hạn chế, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử của Tuyên Quang năm 2015 đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố, trong đó: Chỉ số về giao dịch G2B (Chính phủ với doanh nghiệp) đứng thứ 45/63. Chỉ số về giao dịch B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đứng thứ 54/63. Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin thương mại điện tử đứng thứ 50/63. Chỉ số về giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đứng thứ 61/63.

Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn ít, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh nên việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử còn chậm, nhận thức về lợi ích do thương mại điện tử đem lại, độ tin cậy, tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao, còn bị ảnh hưởng của tâm lý, thói quen mua hàng truyền thống, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp về công nghệ thông tin, về thương mại điện tử còn ít đó là những cản trở để thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới và hội nhập quốc tế.

Từ các vấn đề trên cho thấy xây dựng Chương trình Phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020 là rất cần thiết, qua đó giúp các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, từng bước hội nhập vững chắc với thương mại điện tử trong nước và thế giới.

II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

1.1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý nhà nước về vai trò, ý nghĩa thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh phục vụ đời sống. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử.

1.2. Phát triển, ứng dụng thương mại điện tử đáp ứng tốc độ phát triển chung của cả nước, góp phần đưa kinh tế của tỉnh hội nhập nhanh chóng và sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

1.3. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp cận, ứng dụng và triển khai hoạt động thương mại điện tử, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, tuyên truyền, quảng bá dịch vụ, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

Các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020:

2.1. Về hạ tầng thương mại điện tử

a. Xây dựng hệ thống thanh toán điện tử của tỉnh phù hợp với hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia. Phát triển các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử: doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - doanh nghiệp (G2B).

[...]