Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2022 thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 21/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 18/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/KH-UBND

Sơn La, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 17/TTr-SKHĐT ngày 17/01/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 283/QĐ-TTg nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển ngành dịch vụ nhanh, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội; hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, đảm bảo khai thác tốt nhất các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

2. Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ cần có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung về cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn phát triển các ngành dịch vụ với phát triển kinh tế xã hội.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Sơn La theo hướng văn minh, hiện đại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để nâng cao giá trị gia tăng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025; Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ; Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng bình quân khu vực dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 9,5%, đến năm 2025 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm khoảng 42,5%.

- Tỷ lệ lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt 30%.

- Tài chính - ngân hàng: Tốc độ tăng trưởng bình quân huy động vốn, dư nợ cho vay giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 7 - 9%/năm. Đến năm 2025, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại mở chi nhánh tại địa bàn tỉnh Sơn La; xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử (POS) với quy mô toàn tỉnh, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công; tối ưu hóa mạng lưới ATM/CDM và POS; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 15%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%.

- Công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng bền vững, định hướng chuyển đổi theo hướng phát triển hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các dịch vụ đô thị thông minh. Đến năm 2025, phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 5-10% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động tốc độ cao (4G/5G) và điện thoại di động thông minh; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đầu tư xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại Thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu.

- Phân phối: Đến năm 2025, tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo loại hình thương mại hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) đạt khoảng 15%; doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 200 triệu USD.

- Giáo dục đào tạo và lao động: Trong giai đoạn năm 2021-2025 bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 18.000 người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Đến năm 2025, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt 65% (Trong đó tỷ lệ nhân lực có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%); tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 20,9% tổng số lao động xã hội.

- Logistics và vận tải: Đến năm 2025, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5,5 triệu tấn, sản lượng hàng hóa luân chuyển đạt 606 triệu tấn.km; sản lượng hành khách vận chuyển đạt 5,2 triệu hành khách, sản lượng hành khách luân chuyển đạt 575 triệu hành khách.km. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đối với vận tải hành khách đạt từ 8%-10%/năm và vận tải hàng đạt từ 6%-8%/năm.

- Khoa học và công nghệ: Đến năm 2025, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng năm đạt từ 4% - 5%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh giai đoạn giai đoạn 2021-2025. Ứng dụng công nghệ cao làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp 15-20% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị tăng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đảm bảo các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử. Có từ 03 văn bằng sở hữu trí tuệ được cấp.

- Du lịch: Đến năm 2025, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch (trong đó 0,5 triệu lượt khách quốc tế và 4,7 triệu lượt khách nội địa), tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 20% - 25%/năm, khách nội địa tăng từ 10- 15%/năm; Mức chi tiêu bình quân đối với khách du lịch nội địa 1,0-1,2 triệu/khách/ngày, đêm; khách du lịch quốc tế 2,5 - 3,0 triệu/khách/ngày, đêm; Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) đạt khoảng 2,1-2,3 ngày; Tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 4.658 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10-20%/năm; Tạo ra từ 7.000-10.000 việc làm, trong đó có khoảng 3.000 việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 10 - 15%/năm.

- Y tế: Đến năm 2025, đạt 31 giường bệnh, 09 bác sĩ, 01 dược sĩ đại học trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96% dân số.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Quyết định, chương trình của Chính phủ, của tỉnh về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng trong lĩnh vực dịch vụ.

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến các ngành dịch vụ; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các dịch vụ mới và cải tiến cách thức cung cấp các dịch vụ truyền thống nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ.

- Cơ cấu lại mô hình tổ chức lưu thông hàng hóa, đa dạng hoá về loại hình doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, tăng về số lượng, đổi mới về phương thức hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

- Rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định về điều kiện kinh doanh trong các ngành dịch vụ để khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến chất lượng và cách thức cung cấp các dịch vụ truyền thông nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

[...]