Kế hoạch 4054/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 của tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 4054/KH-UBND
Ngày ban hành 19/10/2023
Ngày có hiệu lực 19/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4054/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 – 2030 CỦA TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Triển khai có hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

- Tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, phù hợp với các định hướng và mục tiêu đã đề ra; tạo sự chuyển biến nhanh, vững chắc về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, văn minh, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa nông thôn và thành thị; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cần có tính toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất.

- Hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng, gắn với nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, liên tục giữa địa phương và Trung ương, giữa các sở, ban, ngành, các địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, giữa việc triển khai công tác hội nhập trong nước và công tác hội nhập quốc tế.

- Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để xác định trách nhiệm, nguyên nhân và kinh nghiệm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, đầu tư, thương mại, môi trường, đất đai, quản lý thị trường,... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2510/KH-UBND ngày 12/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

- Nâng cao chất lượng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế theo hướng hiện đại, tiến tới ngang tầm khu vực và quốc tế.

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi. Đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

- Thúc đẩy, tăng cường phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung.

- Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Nghiên cứu và dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có tác động đến tỉnh; kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy tốt các tiềm năng, nội lực và tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.

- Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh.

- Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai.

- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua cung cấp thông tin và tổ chức tập huấn về năng lực xúc tiến đầu tư.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế,… và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

- Thực hiện Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), hệ thống giám sát tự động VASSCM tại kho, bãi, cảng, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử.

[...]