Kế hoạch 194/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 của tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 194/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2023
Ngày có hiệu lực 03/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 03 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023-2030 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (Nghị quyết số 93/NQ-CP); Công văn số 27/BCĐLNKT-VP ngày 11/8/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế về việc triển khai Thông báo số 290/TB-VPCP ngày 25/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2557/TTr-SCT ngày 27/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 93/NQ-CP, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

b) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 93/NQ-CP.

2. Yêu cầu

a) Các nhiệm vụ, giải pháp phải bám sát các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ, phù hợp với đặc thù của tỉnh, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp.

b) Xác định rõ các nhóm giải pháp chung và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Giải pháp thực hiện

a) Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập, nhằm tăng cường công tác quản lý và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập tại địa phương.

- Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý tại các Sở, ngành và đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người dân tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

b) Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định. Tập trung giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh trên địa bàn, kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết nếu nằm ngoài chức năng, quyền hạn của địa phương. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, thân thiện, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể tại địa phương gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

- Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng các cơ chế khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản... trên địa bàn tỉnh, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp... nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

- Tập trung nguồn lực từng bước cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng kho bãi... tạo điều kiện thuận lợi, giảm giá thành cho hàng hóa lưu chuyển qua địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo các Kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 09/10/2020 về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 09/12/2021 về phát triển chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 09/12/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2023. Phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh các dịch vụ công toàn trình, cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử.

[...]