Kế hoạch 274/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 274/KH-UBND
Ngày ban hành 10/11/2023
Ngày có hiệu lực 10/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Lê Duy Thành
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 274/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 10 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2030, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp,... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA.

- Nâng cao khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể gây ra/đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; thực hiện tốt công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

- Tiếp tục tham gia đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, công đoàn... phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, minh bạch; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách.

- Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại.

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Cải thiện từng bước cơ sở hạ tầng logistics nội địa, đặc biệt là kho bãi và vận chuyển.

- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022. Phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; phát triển hạ tầng số để thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử và sản xuất thông minh.

3. Thực thi hiệu quả các FTA

- Khắc phục sự chồng chéo giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế,...có liên quan và tác động đến nhiều sở, ngành và UBND các huyện, thành phố;

- Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật;

[...]