Kế hoạch 7502/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 7502/KH-UBND
Ngày ban hành 28/08/2023
Ngày có hiệu lực 28/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7502/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 334/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Quyết định số 334/QĐ-TTg); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện Quyết định số 334/QĐ-TTg.

b) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

2. Yêu cầu:

a) Thực hiện có hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Quyết định số 334/QĐ-TTg, nhằm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm công bằng, tôn trọng nguyên tắc thị trường trong hoạt động địa chất, khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện với môi trường; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.

b) Tổ chức thực hiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; nắm vững nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

c) Căn cứ nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch này; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyên, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực thực hiện theo quy định của pháp luật.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

a) Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa các quy hoạch của Trung ương và địa phương; bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

b) Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ khai thác, gắn với chế biến, tinh chế khoáng sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu hồi tối đa sản phẩm, khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường; tiết kiệm khoáng sản đầu vào, hạn chế xuất bản sản phẩm thô chưa qua chế biến.

c) Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản và thất thoát ngân sách nhà nước; ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh, kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

d) Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất và hoàn nguyên, cải tạo phục hồi môi trường sinh thái sau khi kết thúc hoạt động khai thác mỏ.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2025:

- Thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm, công trình nông thôn mới.

- Sắp xếp lại các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô nhỏ, phân tán, manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp; dừng sản xuất các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, không đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường.

- Thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm quản lý tập trung, thống nhất; đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng phục vụ công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

- Điều tra, khoanh vùng cảnh báo tai biến địa chất, sụt lún, sạt trượt, lở đất đá, lũ quét trên địa bàn tỉnh; duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bô xít alumin - nhôm và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

b) Mục tiêu đến năm 2030:

- Thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý tập trung, thống nhất bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

- Khuyến khích, huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia và hoạt động địa chất, khoáng sản để đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và thu hồi tối đa các loại khoáng sản cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

- Nghiên cứu, ứng dụng, đề xuất các giải pháp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở nghiền, tái chế phế liệu, phế thải trong hoạt động xây dựng, vật liệu san nền, góp phần giảm áp lực trong khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên.

c) Tầm nhìn đến năm 2045:

[...]