Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 3726/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 3726/KH-UBND
Ngày ban hành 09/06/2022
Ngày có hiệu lực 09/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3726/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025; Công văn số 907/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung cụ thể như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

1. Thông tin chung

Quảng Nam là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp với tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp với tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp với tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và phía Đông giáp Biển Đông, với bờ biển dài khoảng 125 km. Quảng Nam có diện tích 10.574,74 km2, dân số 1.495.812 người; trong đó có 74,64% ở vùng nông thôn, 25,36% ở vùng thành thị, có 34 dân tộc anh em sinh sống. Toàn tỉnh có 18 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 02 thành phố (Tam Kỳ và Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện, trong đó có 06 huyện nghèo, 241 xã, phường, thị trấn, trong đó có 122 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn. Nền kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây trên đà tăng trưởng khá.

2. Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2016 - 2021

2.1. Hoạt động phòng, chống ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn do thiếu iốt:

Mới được triển khai từ năm 2018 với nội dung chủ yếu là tăng cường công tác truyền thông, khám sàng lọc, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm; từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức truyền thông 5.774 các buổi/ lớp truyền thông tư vấn về các bệnh không lây nhiễm với 21.287 người tham dự. Khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho 9.079 lượt người (từ 30 - 69 tuổi), phát hiện, quản lý điều trị 506 ca đái tháo đường (chiếm tỷ lệ 5,6%), 2.456 người tiền đái tháo đường (chiếm tỷ lệ 27,1%); khám tại 63/241 xã (bao phủ 26,1% số xã); tỉ lệ người được sàng lọc là 3,38% (9.079/268.260 người); khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho 8.434 lượt người (từ 40 tuổi trở lên), phát hiện 2.156 ca tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 25,6 %), khám tại 31/241 xã (bao phủ 12,9% số xã); tỉ lệ người được sàng lọc là 2,55% (8.434/ 329.765 người); khám sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung cho 6.946 lượt phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng; phát hiện 2.223 ca mắc bệnh phụ khoa (chiếm tỷ lệ 32 %), khám tại 52/241 xã (bao phủ 21,6% số xã); tỉ lệ người được sàng lọc là 12,1% (6.946/63.731 người); khám sàng lọc bệnh bướu cổ cho 2.344 học sinh tiểu học, phát hiện 88 trường hợp mắc bệnh bướu cổ (chiếm tỷ lệ 4,2%) (mục tiêu: < 8%); tỉ lệ khám sàng lọc bệnh bướu cổ ở học sinh tiểu học là 1,9% (100% học sinh nghi ngờ mắc bướu cổ được tư vấn đưa đi khám bướu cổ và xét nghiệm hóc môn tuyến giáp tại các trung tâm chuyên khoa Bướu cổ); giám sát chất lượng muối tại 1.483 hộ gia đình, có kết quả xét nghiệm 154 mẫu muối iốt âm tính (chiếm tỷ lệ 10,3%).

Đối với hệ thống khám chữa bệnh các tuyến: khám, phát hiện, quản lý điều trị 49.920 người mắc bệnh tăng huyết áp, chiếm 7,4% so với tổng số người trên 40 tuổi cần tầm soát bệnh tăng huyết áp (49.920/670.631 người); 27.260 người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm 4% so với tổng số người từ 30 - 69 tuổi cần tầm soát bệnh đái tháo đường (27.260/637.829 người). So với điều tra của Quốc gia (tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp 18,9%, đái tháo đường 4,1%), tỷ lệ phát hiện quản lý còn thấp.

* Hạn chế: Hoạt động phòng, chống các bệnh ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn do thiếu iốt mới triển khai từ năm 2018, hệ thống tổ chức mạng lưới, cách thức hoạt động quản lý bệnh chưa có mô hình rõ ràng; triển khai quản lý, theo dõi, điều trị khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã các bệnh không lây nhiễm gặp nhiều khó khăn, còn nhiều bất cập trong phân tuyến dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc điều trị cho người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tại tuyến xã; chưa tổ chức, đánh giá được tỉ lệ người bệnh ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn do thiếu iốt phát hiện ở giai đoạn sớm; chưa có hệ thống báo cáo, giám sát phản ảnh đầy đủ về các bệnh này. Nguồn lực còn nhiều hạn chế so với nhu cầu thực tế để triển khai các hoạt động và mua sắm trang thiết bị.

Đa số các đơn vị y tế tại các tuyến chưa có trang thiết bị, vật tư thiết yếu phục vụ cho hoạt động dự phòng, phát hiện, tư vấn, quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: máy xét nghiệm nhanh đường máu mao mạch và mỡ máu dùng cho tuyến xã, máy đo huyết áp điện tử, cân, thước dây dùng cho y tế thôn, bản đi điều tra, sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

2.2. Hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (COPD - HPQ)

Chủ yếu triển khai khám sàng lọc bệnh COPD - HPQ lồng ghép khám sàng lọc bệnh lao và thông qua hệ thống khám chữa bệnh tại các tuyến. Đến nay, phát hiện, quản lý 2.593 bệnh nhân COPD - HPQ (gồm 1.599 bệnh COPD và 994 bệnh HPQ); duy trì sinh hoạt câu lạc bộ giáo dục phòng, chống COPD - HPQ hàng quý tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; duy trì công tác kiểm tra, giám sát quản lý bệnh COPD - HPQ hàng năm.

* Hạn chế: Tỉ lệ người dân được khám sàng lọc COPD - HPQ còn thấp. Hằng tháng, bệnh nhân COPD - HPQ phải tái khám tại tuyến tỉnh, do vậy, nhiều bệnh nhân không có điều kiện để tái khám đều đặn; chưa có điều tra dịch tễ để ước tính tỷ lệ mắc COPD-HPQ trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam; kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống COPD - HPQ quá ít; thiếu máy đo chức năng hô hấp cho tuyến tỉnh, huyện và dụng cụ đo lưu lượng đỉnh.

2.3. Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần

Mạng lưới quản lý điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần được duy trì triển khai tại 18/18 huyện (100%). Tính đến năm 2020, có 212/241 xã (88%) triển khai quản lý, điều trị bệnh tâm tâm thần phân liệt lồng ghép động kinh; 49/241 xã (20,3%) quản lý điều trị bệnh nhân trầm cảm.

* Hạn chế: Nhân lực bác sĩ chuyên ngành tâm thần tuyến tỉnh, huyện, xã đều thiếu (tuyến tỉnh chỉ có 05 Bác sỹ phụ trách 100 giường bệnh của Bệnh viện Tâm thần; tuyến huyện không có bác sĩ chuyên khoa, hầu hết cán bộ chuyên trách là y sỹ, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, được đào tạo ngắn hạn về chuyên khoa tâm thần, không được đào tạo thường xuyên, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ; tuyến xã một số nơi bố trí cán bộ phụ trách hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần là điều dưỡng, không phù hợp và khó khăn trong việc theo dõi, quản lý điều trị bệnh nhân). Thời gian qua, có giai đoạn cung ứng thuốc bị gián đoạn do kinh phí phân bổ chậm, khó khăn trong thủ tục đấu thầu mua thuốc dẫn đến thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân tại cộng đồng.

3. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020

TT

Mục tiêu/Chỉ tiêu

Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 (%)

Ước thực hiện (%)

Đánh giá: Đạt/ Không đạt

Lý do (Nếu không đạt)

I

Phòng chống ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn do thiếu iốt

 

 

 

 

1

Số người mắc ung thư vú, cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm

20

5,5

Không đạt

Không đo lường, đánh giá được

2

Số cán bộ y tế hoạt động trong dự án/ chương trình được đào tạo nâng cao nghiệp vụ về phòng chống ung thư

80

94,2

Đạt

 

3

Số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm

50

51

Đạt

 

4

Số người phát hiện bệnh tăng huyết áp được quản lý, điều trị theo hướng dẫn Bộ Y tế

30

52,5

Đạt

 

5

Số người bệnh đái tháo đường được phát hiện

40

41

Đạt

 

6

Số người mắc bệnh đái tháo đường được quản lý, điều trị

40

42

Đạt

 

7

Khống chế tỷ lệ đái tháo đường ở người 30 - 69 tuổi

< 10

6,8

Đạt

 

8

Giảm tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 - 10 tuổi

< 8

4,7

Đạt

 

II

Bảo vệ sức khỏe tâm thần

 

 

 

 

1

Số xã/phường/thị trấn quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt

88

88

Đạt

 

2

Số xã/phường/thị trấn quản lý bệnh nhân động kinh

80

88

Đạt

 

3

Số xã/phường/thị trấn quản lý bệnh nhân rối loạn trầm cảm

20

20

Đạt

 

4

Quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho 85 số bệnh nhân tại các xã/phường/thị trấn đã được triển khai

85

98,7

Đạt

 

III

Phòng chống COPD - Hen phế quản

 

 

 

 

1

Số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng

35

35

Đạt

 

2

Số người đã phát hiện bệnh được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn

35

35

Đạt

 

3

35 số người bệnh hen phế quản được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng

35

35

Đạt

 

4

35 số người bệnh hen phế quản được điều trị: đạt kiểm soát hen, trong đó 15 đạt kiểm soát hoàn toàn

35

35

Đạt

 

4. Đánh giá các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần còn phân tán, triển khai theo chiều dọc, do nhiều đầu mối khác nhau thực hiện.

- Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm đang triển khai tại tỉnh Quảng Nam bao gồm các dự án triển khai ở các đơn vị khác nhau:

+ Chương trình phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phụ trách.

+ Chương trình rối loạn sức khỏe tâm thần do Bệnh viện Tâm thần tỉnh phụ trách.

+ Chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phụ trách.

- Nhân lực y tế trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm còn yếu và thiếu, không đồng bộ ở hầu hết các tuyến. Còn thiếu các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động phát hiện sớm, quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã. Cán bộ y tế cơ sở nhiều nơi chưa đủ năng lực sàng lọc, phát hiện sớm, chăm sóc, quản lý người bệnh liên tục và lâu dài, dẫn tới quá tải ở các Bệnh viện tuyến trên và không đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

[...]