Quyết định 1765/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 1765/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/06/2022
Ngày có hiệu lực 30/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1765/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 30 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025;

Căn Cứ Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025;

Căn cứ Công văn số 1907/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2985/TTr-SYT ngày 27/6/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.

Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Giám đốc Sở Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Y tế (báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND TP (báo cáo);
- Ủy ban MTTQVN TP (p/hợp);
- Ban Tuyên giáo Thành ủy (p/hợp);
- CT, các PCT UBND TP (báo cáo);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể (t/hiện);
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, KGVX, SYT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Kim Yến

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần 1

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chung về dân số, đặc điểm kinh tế, xã hội

Dân số của Đà Nẵng năm 2010 là 937.217 người, đến năm 2020 là 1.169.480 người, trung bình giai đoạn 5 năm từ 2015-2020 đạt tốc độ tăng dân số chung bình quân (BQ) là 20,0‰/năm, cao hơn mức tăng của cả nước (11,4‰/năm), trong đó, tốc độ tăng tự nhiên bình quân 11,7‰, tăng cơ học 8,3‰. Tuổi thọ trung bình đến nay đạt 76,3 tuổi, đứng thứ 4 so với cả nước xếp sau Bà Rịa - Vũng Tàu (76,4 tuổi), Đồng Nai (76,7 tuổi), thành phố Hồ Chí Minh (76,7), cao hơn so với tuổi thọ trung bình chung của cả nước (73,6 tuổi).

Tính trên phạm vi toàn quốc, Đà Nẵng là một nơi thu hút dân cư từ nơi khác đến để học tập, làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, so với một số tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì mức tăng trưởng dân số của Đà Nẵng vẫn thấp hơn. Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm tập trung tăng cao tại thành thị, còn vùng nông thôn thì tăng không đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng cao liên tục qua các năm, riêng năm 2020 có tăng trưởng âm do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp, giảm ngành nông nghiệp. Năm 2020, ngành dịch vụ 66,53%, ngành công nghiệp-xây dựng 21,06%, ngành nông nghiệp 2,19%.

Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân thành phố liên tục tăng trưởng qua các năm, từ gần 28 triệu đồng/người năm 2010 tăng lên 88 triệu đồng/năm (tương đương 7,4 triệu đồng/tháng), gấp 3 lần.

2. Hệ thống y tế

[...]