Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 199/KH-UBND
Ngày ban hành 09/06/2022
Ngày có hiệu lực 09/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, Văn bản số 1907/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn năm 2022-2025 trên địa bàn tĩnh Hà Tĩnh (sau đây viết tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung: Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (sau đây gọi chung là bệnh không lây nhiễm) và các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác (sau đây gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tĩnh trong thời gian tới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

* Mục tiêu 1: Củng cố và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, thực hiện tốt các chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chỉ tiêu:

- 100% Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có kế hoạch và đảm bảo cho công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần từ nguồn lực của địa phương.

- Triển khai, áp dụng đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến công tác, hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

* Mục tiêu 2: Giảm thiểu tối đa các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chỉ tiêu:

- 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực phù hợp; 90% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia đến mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở người từ 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%.

- Giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 22,4%.

- Giảm tỷ lệ tiêu thụ muối trung bình của người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 07 gam/người/ngày.

- 85% người trưởng thành có hoạt động thể lực ít nhất 30 phút/ngày.

* Mục tiêu 3: Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chỉ tiêu:

- Ít nhất 80% người phát hiện bị thừa cân, béo phì được thực hiện các biện pháp tư vấn kiểm soát thừa cân, béo phì phù hợp; 80% người phát hiện nguy cơ tim mạch được thực hiện các biện pháp quản lý điều trị dự phòng theo quy định; 50% người từ 18 tuổi trở lên được sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia.

- Ít nhất 60% người trưởng thành, trong đó 90% người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp 1 lần/năm để phát hiện sớm tăng huyết áp; 70% số người mắc tăng huyết áp được phát hiện; 60% số người được phát hiện tăng huyết áp được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

- Ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ/hoặc xét nghiệm đường máu 1 năm/lần để phát hiện sớm đái tháo đường; 60% số người mắc bệnh đái tháo đường (được phát hiện và 60% số người phát hiện bệnh được quản lý điều tộ theo hướng dẫn chuyên môn; 40% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

- Ít nhất 60% người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc định kỳ 1 lần/năm để xác định nguy cơ bệnh hô hấp mạn tính; 50% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị thẹo hướng dẫn chuyên môn; 50% người bệnh hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 50% số người phát hiện bệnh được điều trị đạt kiểm soát hen, trong đó 20% đạt kiểm soát hoàn toàn.

- Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú theo hướng dẫn sàng lọc, 40% số người mắc được phát hiện ở giai đoạn sớm.

- Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 30% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện.

* Mục tiêu 4: Phát triển, nâng cao năng lực của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành y tế để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chỉ tiêu:

[...]