Kế hoạch 1830/KH-UBND năm 2022 về thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 1830/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2022
Ngày có hiệu lực 10/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1830/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 10 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025; Công văn số 1907/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

A. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2015-2021

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TRONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2021

Thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4416/KH-UBND ngày 03/12/2015 về thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, kết quả triển khai thực hiện giai đoạn 2015-2021 cụ thể như sau:

1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

- Quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác; tăng cường quản lý và cảnh báo những ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, phụ gia thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em.

- Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; phát triển giao thông công cộng.

- Tăng cường năng lực cho cán bộ kiểm tra và tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Phòng chống thuốc lá.

2. Truyền thông và vận động xã hội

- Sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

- Duy trì Câu lạc bộ phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản (BPTNMT&HPQ) tại bệnh viện Phổi, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ 3 tháng/1 lần.

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

- Bảo vệ sức khỏe tâm thần: Giám sát hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần ở các xã mỗi năm ít nhất 2 đợt. Bệnh nhân rối loạn trầm cảm chưa được quản lý, điều trị tại cộng đồng (chủ yếu phát hiện và quản lý điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện). Quản lý và điều trị tổng số 1.492 bệnh nhân, trong đó tâm thần phân liệt 660, động kinh 731, trầm cảm 101. Tỷ lệ điều trị ổn: Tâm thần phân liệt đạt >90%, động kinh đạt >95%, trầm cảm 100%.

- Phòng chống tăng huyết áp: Dự án Phòng chống tăng huyết áp đang triển khai tại 48 xã thuộc 10 huyện/thị xã/thành phố. Hàng năm phối hợp với Viện Tim mạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp cho các thầy thuốc của tỉnh; tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân và đưa vào quản lý điều trị. Số bệnh nhân tăng huyết áp (THA) được phát hiện là 9.815 tại các trạm y tế đã triển khai dự án.

- Phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu Iốt: Dự án Phòng chống Đái tháo đường đang triển khai tại 56 xã thuộc 10 huyện/thị xã/thành phố. Triển khai tốt công tác đào tạo, tập huấn; sàng lọc phát hiện bệnh nhân, tư vấn và điều trị. Bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý là 324 (số liệu tính tại 5 xã mới triển khai dự án từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại năm 2016 - 2018 hoạt động Dự án bị gián đoạn do không có kinh phí triển khai). Hàng năm khám và điều trị bướu cổ hơn 1.000 bệnh nhân; tỷ lệ người dân sử dụng muối Iốt là 95%.

- Phòng chống BPTNMT&HPQ: Hàng năm tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, dự phòng, quản lý BPTNMT&HPQ và cách đọc chức năng hô hấp. Triển khai tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về BPTNMT&HPQ; duy trì hoạt động khám, điều trị BPTNMT&HPQ tại các tuyến. Số lượt bệnh nhân điều trị nội trú BPTNMT là 2.479, HPQ là 238.

4. Về nguồn lực

Kinh phí đã được giao và thực hiện giai đoạn 2015-2021:

- Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương: 824.000.000 đồng.

- Vốn sự nghiệp ngân sách địa phương: 2.214.200.000 đồng.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC CHO GIAI ĐOẠN 2015-2020 (phụ lục 01 kèm theo):

III. ĐÁNH GIÁ CÁC TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Ưu điểm

- Trung ương hàng năm hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của dự án phòng chống bệnh tim mạch.

- Những năm gần đây địa phương quan tâm, cấp kinh phí cho các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm.

2. Hạn chế và nguyên nhân

[...]