Kế hoạch 37/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2023
Ngày có hiệu lực 19/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 19 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 06/01/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

- Bám sát các mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 32-NQ/TU ngày 05/12/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2023 và Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ, giải pháp phải bám sát những chỉ đạo, định hướng tại Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương để tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời hiệu quả. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 10/12/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023; Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các dịch bệnh mới phát sinh gây bệnh cho người và các dịch bệnh từ động vật lây sang người, không để “dịch chồng dịch”. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ; ban hành phương án xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; nỗ lực giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tăng cường công tác giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các ổ dịch có nguồn gốc từ động vật nguy cơ lây sang người (bệnh Dại động vật, bệnh Cúm A trên gia cầm,…). Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

3. Tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm theo đúng chỉ đạo “đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến phản biện của Nhân dân khi tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

- Tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền, kịp thời phát hiện sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, khắc phục các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

- Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án kinh tế. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài.

- Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân. Giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; nâng cao vai trò, năng lực, tính chuyên nghiệp và chất lượng công tác trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; tăng cường công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trong hoạt động của chính quyền cơ sở.

- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở theo quy định pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định.

- Nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tăng cường quản lý nhà nước, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

4.1. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 866/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực CCHC, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng chính quyền điện tử nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh, Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC; Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

- Sở Nội vụ chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Kế hoạch số 866/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát đối với công tác cải cách hành chính.

[...]