Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2023
Ngày có hiệu lực 07/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2023-2025

Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả cao, góp phần đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ, tổng kết đánh giá để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

- Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm được đề cập tại Kế hoạch này, theo phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, địa bàn quản lý các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Quyết định số 925/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tối thiểu 70% dân số nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 80 lít/người/ngày; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho khoảng 1.500 hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý.

- Ít nhất 40% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phí tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

- Ít nhất 90% chất thải chăn nuôi và 85% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Có 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

- Có 100% chất thải rắn sản xuất và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.

- 100% số huyện có Kế hoạch/Đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn. Ít nhất 35% số huyện có mô hình xử lý nước mặt (ao, hồ) bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

- Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Ít nhất 98% hộ gia đình nông thôn và 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực

- Chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về các tác động của môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch đến sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất.

- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chương trình chuyên đề, tăng thời lượng, số lượng tin, bài về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử.

- Lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn vào các Chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo,… của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và vận hành các công trình cấp nước và xử lý chất thải.

2. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách

[...]