Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 831/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW và Kế hoạch 66-KH/TWU thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 831/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2023
Ngày có hiệu lực 07/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 831/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 07 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 66-KH/TU NGÀY 09/12/2022 CỦA TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW, NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ “TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 09/12/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (gọi tắt là Kế hoạch số 66-KH/TU, Chỉ thị 17-CT/TW). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.

- Kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Triển khai đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị 17-CT/TW và Kế hoạch số 66-KH/TU đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 09/12/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Đồng thời tiếp tục thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10250/KH-UBND ngày 22/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các hoạt động lĩnh vực Y tế dự phòng - Dân số, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Các cấp, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của phát luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của trung ương, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị và được thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hằng năm. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm của các cơ quan Nhà nước, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là các chủ trương, chính sách và Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của người dân trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch.

- Huy động các nguồn lực để tham gia truyền thông, tuyên truyền về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lâm Đồng và các cơ quan thường trú của Báo, Đài trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu có sức thuyết phục và phù hợp với văn hóa, tập quán của từng vùng, miền trong tỉnh để tuyên truyền. Khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm. Lồng ghép các nội dung công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong các buổi sinh hoạt tập trung chi đoàn, chi hội.

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an ninh, an toàn thực phẩm đến các cơ quan truyền thông đại chúng để kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh. Đồng thời công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an ninh, an toàn thực phẩm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin gây hoang mang cho Nhân dân về an ninh, an toàn thực phẩm ở tỉnh.

- Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức/cá nhân về các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động.

- Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, việc sử dụng các chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời có những biện pháp phù hợp để phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu đang lưu thông trên thị trường.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo tính thống nhất từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, không chồng chéo giữa các ngành, các cấp.

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

4. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, an toàn thực phẩm

- Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện ở mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

[...]