Kế hoạch 3688/KH-UBND năm 2023 về giải pháp nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện với người dùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2025

Số hiệu 3688/KH-UBND
Ngày ban hành 14/11/2023
Ngày có hiệu lực 14/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Võ Đức Trong
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3688/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 14 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

BAN HÀNH CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ, TĂNG TỶ LỆ SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN ĐẢM BẢO DỄ SỬ DỤNG, THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI DÙNG TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2025

I. HIỆN TRẠNG

Ngày 31/10/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 ban hành quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tây Ninh làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 96% so với tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh (1.777 DVC trực tuyến), trong đó DVC trực tuyến toàn trình là 731, chiếm 41,11% thấp so với trung bình cả nước là 43,67%. Theo Công văn số 3109/BTTTT-CĐSQG ngày 01/8/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát trong năm 2023 phải đảm bảo tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Tỷ lệ hồ sơ nộp, xử lý và trả kết quả trực tuyến trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 43,08% (cấp tỉnh đạt 19,73%, cấp huyện đạt 71,84%, cấp xã đạt 98,49%). Tỷ lệ này đạt thấp là do: (1) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở một số sở, ngành còn thấp theo số liệu thống kê tại phụ lục 1; (2) Các quy định về giải quyết TTHC hiện còn phức tạp tương tự như hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, dẫn đến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn ngay từ bước đăng ký tài khoản, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tuyến, mất nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ so với gửi trực tiếp. (3) Dữ liệu chưa được đồng bộ, liên thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên chưa tạo thuận lợi cho cán bộ trong thao tác nghiệp vụ, xử lý hồ sơ dẫn đến người dân còn phải cung cấp nhiều loại giấy tờ liên quan. (4) Thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến. (5) Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tây Ninh vẫn còn khó sử dụng, chưa thân thiện với người dùng.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; nghiên cứu đề xuất mức giảm phí, lệ phí khi thực hiện các DVC trực tuyến; tiếp tục rà soát cắt giảm các thành phần hồ sơ của bộ TTHC thuộc các ngành, các lĩnh vực.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh trên cả 2 phương diện: Tăng tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến và tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thực tế phát sinh. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng chính quyền số và xã hội số ngày càng toàn diện.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tận dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh phục vụ giải quyết TTHC một cách hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và đơn giản hoá TTHC.

Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng thực hiện nộp hồ sơ TTHC trực tuyến từ xa.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp triển khai quyết liệt để đạt mục tiêu sau:

a) 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến. Phấn đấu hết năm 2023 đạt 80% và đến năm 2025 đạt 95% DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp trực tuyến toàn trình.

b) Phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hồ sơ nộp, giải quyết và trả kết quả trực tuyến tối thiểu đạt 50% và đến năm 2025 tối thiểu đạt 80% trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

c) 100% DVC trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

d) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền của tỉnh, tích hợp với hệ thống Quốc gia.

đ) 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

e) Trên 95% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thực hiện rà soát và lựa chọn các TTHC đủ điều kiện trong phạm vi sở, ngành, địa phương đảm bảo triển khai DVC trực tuyến toàn trình và một phần theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Phấn đấu đến hết Quí I năm 2024 đạt 80% và đến năm 2025 đạt 95% thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp trực tuyến toàn trình.

Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, thẩm định kết quả từ các sở, ban, ngành, địa phương. Tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt kết quả.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương.

Thời gian hoàn thành: Quí I Năm 2024 và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

2. Hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian hoàn thành: Tháng 11 năm 2023.

[...]