Kế hoạch 341/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 341/KH-UBND
Ngày ban hành 16/03/2018
Ngày có hiệu lực 16/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 341/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2018 - 2025” TỈNH QUẢNG BÌNH

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật bình đẳng giới, ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;

Căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”;

Thực hiện Công văn số 39/UBDT-DTTS, ngày 16/01/2018 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1898 QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ thực trạng hoạt động bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” như sau:

II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến nhanh, thực chất về bình đẳng giới và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số. Thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các nội dung của hoạt động trong Kế hoạch cần cụ thể, khả thi, bám sát các quy định pháp luật, nội dung, nhiệm vụ Đề án và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

- Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Đề án với các chương trình, Đề án khác có liên quan đảm bảo không chồng chéo, tiết kiệm và hiệu quả.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phân công cụ thể.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

2. Đối tượng: Đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung.

IV. NỘI DUNG

1. Xây dựng triển khai mô hình điểm tại xã Hóa Sơn

Lựa chọn, xây dựng và triển khai mô hình điểm tại xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhận rộng tại các địa bàn khác thuộc phạm vi thực hiện Đề án

* Nội dung cụ thể:

- Tổ chức tập huấn tuyên truyền đảm bảo bình đẳng giới trong từng hộ gia đình, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Xây dựng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này; hướng dẫn các thành viên câu lạc bộ tuyên truyền trong cộng đồng dân cư.

- Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại các thôn, bản thuộc xã Hóa Sơn.

* Thời gian thực hiện: Từ năm 2018-2020.

2. Thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới

* Nội dung:

[...]