Quyết định 1898/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 1898/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 28/11/2017 |
Ngày có hiệu lực | 28/11/2017 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Trương Hòa Bình |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1898/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2018 - 2025”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
b) Mục tiêu cụ thể
- 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;
- Phấn đấu 80% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới;
- 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi;
- Ít nhất 50% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách;
- 30-50% các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống xây dựng mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
2. Phạm vi đề án và đối tượng của Đề án
a) Địa bàn triển khai các xã và huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là địa bàn có dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống
b) Đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, già làng, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán địa phương nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới, chú trọng tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế kém phát triển thuộc vùng dân tộc thiểu số.
b) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống.
- Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện, trình độ và văn hóa dân tộc.
- Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự tham gia của cán bộ thôn, bản, học sinh tại các trường dân tộc nội trú và bán trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn.
c) Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.