ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
19 tháng 02 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC ASEAN VỀ PHÒNG, CHỐNG BUÔN BÁN NGƯỜI, ĐẶC BIỆT LÀ PHỤ
NỮ VÀ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Thực hiện Quyết định số 1957/QĐ-TTg,
ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện
Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (viết
tắt là Công ước ACTIP), Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xác định
cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các lực lượng chức
năng và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả
Công ước ACTIP, gắn với thực hiện góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả
phòng, chống mua bán người có tổ chức xuyên quốc gia và loại tội phạm có liên
quan.
2. Bảo đảm
thực hiện các nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước ACTIP
phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, chính sách và điều kiện của Việt Nam; bảo đảm
các yêu cầu về đối nội, đối ngoại; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự,
an toàn xã hội.
3. Nâng
cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ,
trẻ em; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao vị thế
của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của Nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
4. Trong
quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh để
kiến nghị, đề xuất khắc phục.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền,
phổ biến nội dung Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống
mua bán người
a) Nội dung
Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công
ước ACTIP, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; trong
đó, tập trung vào các quy định về phòng ngừa mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị
mua bán, thực thi pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua
bán người, hợp tác quốc tế nhằm thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm,
năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, quản lý, cán bộ trực tiếp
làm công tác phòng, chống mua bán người ở các sở, ban, ngành, địa phương và người dân; bảo đảm nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng,
giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ dân trí, đặc điểm của từng vùng, miền,
địa phương để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các
hành vi mua bán người.
b) Phân công thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tỉnh
Quảng Ngãi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND
huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành khác có liên quan.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức
quán triệt những nội dung của Công ước; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên
truyền, phổ biến nội dung Công ước ACTIP và pháp luật Việt Nam có liên quan.
2. Nghiên cứu, đề
xuất hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước ACTIP
a) Nội dung
- Phối hợp rà soát, nghiên cứu tính
tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với nội dung Công ước
ACTIP để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật về
phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của Công ước ACTIP.
- Phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ
quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố
tụng hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Điều
ước Quốc tế, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Tổ chức Cơ quan
điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm phù hợp với
các quy định của Công ước ACTIP, gắn với kế hoạch thực hiện
Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người.
b) Phân công thực hiện
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan; đề nghị Viện
Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp thực
hiện.
3. Đẩy mạnh công
tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
a) Nội dung
- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận,
xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán và chuyển tuyến để thực hiện các chế độ
hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho
nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định
của pháp luật.
- Bảo đảm chỗ ở tạm thời cho nạn nhân
bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được bảo vệ, hỗ trợ để phục hồi thể chất,
tâm lý, xã hội và tái hòa nhập cộng đồng, huy động sự tham gia tích cực của các
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
- Thực hiện có hiệu quả các quy định
của pháp luật để bảo đảm nhanh chóng trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu,
bảo vệ, phục hồi, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua
bán.
- Bảo đảm cho nạn nhân bị mua bán sử
dụng ngôn ngữ mà họ hiểu được; thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của họ, tạo điều kiện để họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo đảm
quyền bào chữa của nạn nhân bị mua bán phù hợp với Công ước
ACTIP.
- Triển khai khẩn trương việc xác định
nạn nhân, đặc biệt là tuổi của nạn nhân để bảo đảm cung cấp các dịch vụ phù hợp.
Trong trường hợp chưa chắc chắn về độ tuổi nhưng nếu nạn
nhân có khả năng là trẻ em thì cần coi nạn nhân đó là trẻ em và quy trình xác định
nạn nhân, phỏng vấn cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật
trong nước, phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, nhất là Công ước quốc
tế về quyền trẻ em.
- Triển khai thực hiện các chương
trình giúp nạn nhân bảo đảm sinh kế, bao gồm giáo dục căn bản, tập huấn về kỹ
năng đặc biệt cho nạn nhân là phụ nữ. Cải thiện khả năng tiếp cận với các cơ hội và hoạt động giáo dục cho trẻ em để nâng cao nhận
thức về phòng, chống mua bán người và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, đặc biệt là
trẻ em gái.
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp,
phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán. Trong quá trình thực hiện, cần
áp dụng cách tiếp cận đa ngành, lấy nạn nhân làm trung tâm khi cung cấp gói dịch
vụ toàn diện cho nạn nhân như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế,
tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu,
hỗ trợ vay vốn cũng như nâng cao nhận thức nhằm phòng tránh kỳ thị và phân biệt
đối xử đối với nạn nhân khi họ hồi hương.
b) Phân công thực hiện
- Công an tỉnh chủ động phối hợp, đề
nghị các cơ quan chức năng trong tổ chức tiếp nhận và thực hiện các biện pháp bảo
vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân và người thân của họ trong
quá trình tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân và giải quyết vụ án theo quy định
của pháp luật.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong tổ chức nắm tình hình về nạn
nhân bị mua bán trở về và thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định của
pháp luật
4. Đấu tranh
phòng, chống tội phạm mua bán người
a) Nội dung
- Các lực lượng chức năng tăng cường
công tác nắm tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, triển khai thực
hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua
bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; kế hoạch hưởng ứng
Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán
người - 30/7.
- Tăng cường nỗ lực điều tra, truy tố,
xét xử tội phạm mua bán người, nhất là các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia
vào hoạt động mua bán người; áp dụng các biện pháp thích hợp như phong tỏa tài sản, áp dụng hình phạt tương ứng với tính chất và mức
độ nghiêm trọng của loại tội phạm này.
- Áp dụng hiệu quả các phương pháp điều
tra và biện pháp cần thiết khác để thu thập chứng cứ phục vụ công tác truy tố
trong các vụ án mua bán người, kể cả trong trường hợp nạn nhân không cung cấp lời
khai của mình.
- Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm
minh cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, rửa tiền; những người
tham gia, tạo điều kiện hoặc cản trở hoạt động tư pháp liên quan đến phòng, chống
mua bán người theo đúng quy định của pháp luật trong nước, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham
nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt
là phụ nữ và trẻ em.
- Tăng cường năng lực cho điều tra viên,
kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ quản lý xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng,
thanh tra lao động tham gia vào các hoạt động phòng, chống
mua bán người.
- Nâng cao năng lực hiệu quả công tác
quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên các lĩnh vực như: Cư trú; hộ tịch; hoạt động
du lịch; du học; xuất khẩu lao động; cho, nhận con nuôi; kết hôn với người nước
ngoài; hiến, tặng mô, tạng; biên giới; cửa khẩu... để phòng ngừa, phát hiện, đấu
tranh, xử lý tội phạm có hiệu quả.
b) Phân công thực hiện
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân
tỉnh, các Sở: Ngoại vụ, Tư Pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo,
Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua
bán người trên địa bàn tỉnh.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân
dân tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán
người khu vực biên giới biển, đảo.
- Đề nghị Viện Kiểm
sát nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện công tác truy tố tội
phạm mua bán người.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chủ
trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện công tác xét xử tội phạm mua bán người.
5. Về hợp tác quốc
tế
Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể,
các lực lượng chức năng và UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối
hợp, trao đổi thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người; triển khai thực
hiện nghiêm túc, có hiệu quả và tiến hành sơ, tổng kết các quy định về hợp tác
quốc tế liên quan đến phòng, chống mua bán người.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giai
đoạn 2021 - 2022, ưu tiên thực hiện các hoạt động sau:
- Tổ chức tuyên truyền, tham gia tập
huấn chuyên sâu về Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng,
chống mua bán người cho người dân, các lực lượng chức năng của các sở, ban,
ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đến công tác phòng, chống mua bán người,
đặc biệt là các cơ quan tư pháp, Bộ đội Biên phòng.
- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ
quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật về phòng,
chống mua bán người phù hợp với quy định của Công ước ACTIP.
2. Giai
đoạn 2022 - 2025:
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ
được nêu trong Kế hoạch này.
- Tiến hành sơ kết, tổng kết việc triển
khai thực hiện Kế hoạch này.
IV. KINH PHÍ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Kinh
phí triển khai thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố
trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của các sở, ngành, địa phương
theo quy định của pháp luật hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Việc
quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ
nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể,
các lực lượng chức năng và UBND huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ phải
tích cực, chủ động ban hành kế hoạch, phối hợp thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác; sở, ban,
ngành khác có liên quan ban hành kế hoạch hoặc bổ sung, lồng ghép nhiệm vụ vào
các kế hoạch, đề án... bảo đảm thống nhất và hiệu quả khi thực hiện.
2. Giao
Công an tỉnh là cơ quan thường trực thực hiện Công ước ACTTP, có nhiệm vụ tham
mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
Kế hoạch này trên phạm vi cả tỉnh; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá việc
thực hiện Kế hoạch.
3. Giao Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực
hiện công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn biên giới biển, đảo theo
quy định.
4. Giao Sở
Ngoại vụ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan đại
diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước
ngoài tại Việt Nam trong việc phối hợp điều tra, phát hiện giải cứu, xác minh
và làm các thủ tục cần thiết để hồi hương nạn nhân bị mua bán về nước.
5. Giao Sở
Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác
trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động
hỗ trợ kết hôn, cho, nhận con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động
này để mua bán người.
6. Giao Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có
liên quan thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; trong đó, tổ chức
thực hiện quy trình về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; thực hiện công tác hỗ
trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo
quy định pháp luật.
7. Giao Sở
Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống
thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung Công ước ACTIP và công tác
phòng, chống mua bán người.
8. Giao Sở
Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định, bố
trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hằng năm của các sở,
ngành có liên quan để thực hiện Kế hoạch theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, địa
phương triển khai thực hiện nghiêm túc; quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua
Công an tỉnh) để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất
khắc phục./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: PCVP, CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv93.
|
CHỦ TỊCH
Đặng Văn Minh
|