Luật điều ước quốc tế 2016

Số hiệu 108/2016/QH13
Ngày ban hành 09/04/2016
Ngày có hiệu lực 01/07/2016
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 108/2016/QH13

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2016

 

LUẬT

ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật điều ước quốc tế.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc ký kết, bảo lưu, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải, đăng ký và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

2. Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế.

4. Tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ.

5. Ký kết là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.

6. là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.

7. Ký tắt là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

8. Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

9. Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10. Gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.

11. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

12. Chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện nhằm thể hiện cam kết chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt, phê chuẩn điều ước quốc tế, phê duyệt điều ước quốc tế, trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế, gia nhập điều ước quốc tế hoặc hành vi khác theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

13. Giấy ủy quyền là văn bản xác nhận người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.

14. Giấy ủy nhiệm là văn bản xác nhận người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế nhiều bên để thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế hoặc để thực hiện quy định của điều ước quốc tế.

15. Bảo lưu là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc bên ký kết nước ngoài khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế.

16. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

17. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để tạm dừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

18. Từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[...]
19
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ