Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2024 triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 338/KH-UBND
Ngày ban hành 28/08/2024
Ngày có hiệu lực 28/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Hoàng Hải Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện nội dung Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0-7,0%/năm.

- Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

- Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng kí các hình thức bảo hộ trí tuệ.

- Hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, các sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Phát triển từ 02 đến 05 điểm du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề,…

- Phấn đấu đến năm 2030, lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 75-80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50-55%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.

- Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn

a) Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương.

- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với việc tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.

b) Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

- Tạo các mẫu mã sản phẩm mới, độc đáo, có tính nghệ thuật và khả năng sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ đối tượng khách du lịch.

- Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu mới có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu truyền thống đang dần khan hiếm.

- Tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi và người lao động tham gia các khoá học thiết kế mẫu mã, tạo hình, phối màu, phối hợp chất liệu trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

c) Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn

- Nâng cao năng lực các cơ sở xử lý, chế biến tạo ra các loại nguyên liệu mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nghề nông thôn; nhất là sản xuất nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường và thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu.

- Hình thành các điểm sơ chế, chế biến các nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.

[...]