Kế hoạch 769/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 769/KH-UBND
Ngày ban hành 18/11/2024
Ngày có hiệu lực 18/11/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nông Quang Nhất
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 769/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 18 tháng 11 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

- Kế hoạch là căn cứ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các huyện, thành phố.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đồng thời có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và có sự kiểm tra, giám sát thực hiện chặt chẽ.

- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

- Nắm bắt cơ hội, tiềm năng, thế mạnh và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh để sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn, nông nghiệp phát triển bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0%/năm.

- Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

- Thu hút khoảng 3 nghìn lao động trở lên tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Phấn đấu thành lập mới 03 làng nghề trở lên trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu phát triển ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn theo các loại hình:

Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề...

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn từ 60% trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt từ 25% trở lên.

- Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% trở lên nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

- Phấn đấu 100% cơ sở, hộ gia đình, khu vực sản xuất tập trung trong các làng nghề được công nhận đáp ứng các quy định về tiêu chí bảo vệ môi trường.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Ngành nghề nông thôn là hoạt động trọng tâm mang lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

[...]