Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2024
Ngày có hiệu lực 12/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1058/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch phải bám sát và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Kế hoạch phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời phân công rõ trách nhiệm và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

- Nắm bắt cơ hội, tiềm năng, thế mạnh và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh để sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 5,5 - 7,0%/năm.

- Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng trên 2,5 lần so với năm 2020.

- Thu hút thêm khoảng 45 nghìn lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%.

- Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động ở nông thôn.

- Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

III. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn

1.1. Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương thức sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

- Cải tiến quy trình sản xuất theo chuỗi, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh.

1.2. Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

- Tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch.

[...]