Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3320/KH-UBND năm 2022 thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 3320/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 05/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3320/KH-UBND

Kon Tum, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN 8 “THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM”, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình);

Căn cứ Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về hướng dẫn triển khai Dự án 8 Chương trình về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8);

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án 8. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong triển khai thực hiện các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

2. Yêu cầu

- Việc cụ thể hóa Dự án 8 phải bám sát nội dung Chương trình; Kế hoạch số 43/KH-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh1; các chương trình, kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm, thời gian hoàn thành.

- Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các Sở, ngành và chính quyền các cấp trong thực hiện Dự án 8 tại địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Việc triển khai thực hiện Dự án 8 phải đảm bảo hiệu quả, thực chất, phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Xây dựng 274 nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng.

- Phát triển 91 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, trong đó thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên tiếp cận các chế tài chính thức, hỗ trợ 15% thành viên của tổ phát triển sinh kế; thí điểm 55 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.

- Hỗ trợ 15 tổ sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

- Củng cố 151 mô hình địa chỉ tin cậy hiện có; thành lập mới 30 địa chỉ tin cậy hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.

- Thí điểm 10 mô hình và nhân rộng 10 mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán (nếu có).

- Có 80% phụ nữ DTTS có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn.

- Thành lập 55 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em, nâng cao năng lực năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động.

- Tổ chức 134 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, làng tại địa bàn khó khăn.

- 50 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã (gồm: Cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) được nâng cao năng lực tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

2. Đối tượng thụ hưởng: Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, phụ nữ khuyết tật.

3. Phạm vi, thời gian thực hiện

[...]