Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2318/KH-UBND năm 2022 triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn I: 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 2318/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2022
Ngày có hiệu lực 11/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2318/KH-UBND

Gia Lai, ngày 11 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI DỰ ÁN 8 “THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM” GIAI ĐOẠN I: 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Kế hoạch số 43/KH-ĐCT, ngày 03/6/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Chương trình hành động số 29/CTHĐ-TU, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch số 1602/KH-UBND, ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Dự án 8; định hướng, hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, hoạt động và đạt các chỉ tiêu của Dự án đặt ra đến năm 2025.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Xác định vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện Dự án 8 và tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động của Dự án cần được triển khai bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 29/CTHĐ-TU, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; phối hợp nguồn lực thực hiện Dự án 8 gắn với thực hiện các nhiệm vụ liên quan của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và nguồn xã hội hóa.

- Triển khai thực hiện Dự án đảm bảo hiệu quả thực chất, tiết kiệm, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Đối tượng

Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thị trấn và thôn, làng đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

3. Địa bàn thực hiện

Triển khai thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên nguồn lực cho 42 xã đặc biệt khó khăn, 192 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II, khu vực I (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã khu vực III, II, I và Quyết định 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc đối với các thôn đặc biệt khó khăn) thuộc 15 huyện, thị xã của tỉnh gồm: Đức Cơ, Đăk Đoa, Đăk Pơ, Kbang, Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro, Phú Thiện, Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, Chư Pưh, An Khê, Ia Grai, Chư Prông.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Chỉ tiêu chính của Dự án 8 đến năm 2025

- 364 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động.

- 120 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản (TKVVTB) được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì. Trên cơ sở tổ TKVVTB: thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên Tổ TKVVTB hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của Tổ TKVVTB hiện có phát triển sinh kế; thí điểm 73 Tổ TKVVTB áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.

- 20 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.

- 40 Địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới.

- 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn.

- 73 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động.

[...]