Kế hoạch 326/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ năm 2021 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ban hành

Số hiệu 326/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ
Ngày ban hành 19/07/2021
Ngày có hiệu lực 19/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Người ký Đỗ Văn Chiến
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM”
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 326/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 03-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 03-CT/TW); Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương về triển khai các nội dung Cuộc vận động theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Thông qua tổ chức thực hiện chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đạt “Mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Yêu cầu

Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; hàng năm xây dựng kế hoạch, chọn chủ đề để triển khai Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền

Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động; tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học, đặc biệt là trường Đại học, Cao đẳng; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam, của cộng đồng các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp trong hưởng ứng, thực hiện Cuộc vận động.

Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.

Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước

Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

3. Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, hộ gia đình tăng cường sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.

Thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình sản xuất kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19.

4. Thúc đẩy sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có chất lượng tốt

Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng.

Có cơ chế để công khai về các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có thông tin.

5. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích.

Đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Phát huy vai trò đầu tầu nền kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Tổ chức đưa hàng Việt lên các kệ hàng, đảm bảo hàng Việt Nam chiếm thị phần tương xứng trong các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước; đa dạng các kênh bán hàng tiện ích, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

[...]