Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 02/NQ-CP
Ngày ban hành 01/01/2019
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết số 19 cũng như theo dõi việc cung cấp thông tin và kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Bộ Công Thương (Tiếp cận điện năng); Bộ Tài chính (Nộp thuế); Bộ Khoa học và Công nghệ (Đổi mới sáng tạo)..., Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Nộp bảo hiểm xã hội), tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...

Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc1 so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc2, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc3, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc4). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc5, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc6...

Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);...

Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận.

Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt một số chỉ số bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc7 so với 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc8...

Các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện dẫn tới năm 2018 giảm 01 bậc trong xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), giảm 03 bậc trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Từ năm 2016, Nghị quyết số 19 đã phân công trách nhiệm của bộ, ngành làm đầu mối theo dõi từng bảng xếp hạng quốc tế và chịu trách nhiệm từng chỉ số cụ thể nhưng không ít bộ, ngành vẫn chưa chỉ định đầu mối, chưa thiết lập cơ chế chỉ đạo trong cơ quan và theo ngành dọc. Vai trò cơ quan đầu mối của các Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB và Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF; Bộ Khoa học và Công nghệ đối với Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN)) trong việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện và cung cấp số liệu còn chưa tích cực, chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu dù được cải thiện nhưng do chưa có cơ chế tổng hợp, cung cấp thông tin chính xác đến các tổ chức quốc tế nên thứ hạng của nước ta được đánh giá thấp hơn thực tế (như số năm học trung bình của một người khi đến tuổi trưởng thành theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ...).

Đổi mới phương thức thực hiện quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào các chỉ số nhằm tháo gỡ vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Những chỉ số ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. Một số hành động cải cách chưa thực chất, còn hình thức. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Không ít nơi, ít lúc doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều. Trong nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội song cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất để mọi người dân đều đóng góp công sức, của cải phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình, cho đất nước.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

a) Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB)9 lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.

b) Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF)10 tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.

c) Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO)11 lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc.

d) Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB)12 lên 5 -10 bậc.

đ) Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF)13 lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc.

e) Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN)14 lên 10 - 15 bậc năm 2020.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ