Kế hoạch 3252/KH-UBND năm 2018 về bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3252/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2018
Ngày có hiệu lực 07/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phạm Văn Nam
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3252/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2017 VÀ NĂM 2018

I. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVMT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018

1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường

1.1. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường

Hiện nay, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (viết tắt là BVMT) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được quan tâm, tiến hành thường xuyên thông qua các hình thức: theo dõi, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền nhằm sớm phát hiện các chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, ban hành mới một cách đồng bộ; kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp; tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong đánh giá tình hình thi hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp và người dân; tiếp thu, cập nhật đầy đủ phản ánh từ doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật BVMT để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi của pháp luật về BVMT.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt trách nhiệm được phân công, phân cấp về BVMT trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, việc triển khai các quy định pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân vẫn còn thấp, chưa quan tâm đến công tác BVMT, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải còn hạn chế; việc xây dựng các khu sản xuất tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thị còn chậm nên gây khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm các điểm nóng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

1.2. Ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về BVMT

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành là 03 văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền là 02 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm:

- Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định phân cấp nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết số 44/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đơn giá hoạt động quan trắc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Quyết định 03/2018/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1.3. Triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trên cơ sở Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ tài nguyên, Chương trình hành động số 19- NQ/TU ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và cơ sở đã quán triệt sâu sắc và làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Để cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản: Công văn số 2305/UBND-KT ngày 19 tháng 6 năm 2017 về việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo Kế hoạch số 5242/KH- UBND ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Kế hoạch số 4802/KH-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Hằng năm, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ BVMT trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018

2.1. Tăng cường công tác BVMT tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về môi trường, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt đối với các chủ đầu tư Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, các dự án khai thác khoáng sản, chăn nuôi heo,...; phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, chủ động phối hợp, thông tin đầy đủ, kịp thời cho cơ quan báo chí; thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở.

Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 10 đợt kiểm tra, giám sát 55 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 09 cơ sở (xử phạt gần 2,68 tỷ đồng). Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát hơn 144 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính trên 15 cơ sở (xử phạt hơn 131,25 triệu đồng). Lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh phát hiện 279 vụ, xử lý vi phạm với số tiền 3.633,775 triệu đồng. Bên cạnh đó, các Sở, ngành và Công an tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT, an toàn thực phẩm, đã phối hợp kiểm tra 153 cơ sở đang hoạt động trên lĩnh vực y tế, khu công nghiệp, nhà máy chế biến tập trung, công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 2, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Đối với các Khu công nghiệp (viết tắt là KCN): tỉnh Bình Thuận có 09 KCN được Chính phủ đồng ý chủ trương đưa vào danh mục các KCN quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 3.000 ha. Đến nay, có 04/04 KCN đã có các doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động và đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động (KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2, KCN Phan Thiết 2). Riêng KCN Phan Thiết giai đoạn 2, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đấu nối vào trạm xử lý nước thải KCN Phan Thiết 1 đến hết ngày 30 tháng 10 năm 2018, sau đó tự thu gom, xử lý toàn bộ nước thải của các dự án tại KCN Phan Thiết 2.

Đối với các Cụm công nghiệp (viết tắt là CCN): tỉnh Bình Thuận quy hoạch 32 CCN đến năm 2020 (theo Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Đến nay, có 22/32 CCN được thành lập; trong đó, 21/22 CCN đã thu hút, bố trí hơn 150 dự án đầu tư với tổng diện tích khoảng 200 ha, có 01/21 CCN (CCN Chế biến hải sản Phú Hài) có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500 m3/ngày đêm. Các CCN khác đã có dự án thứ cấp đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung của cụm, như: CCN Thắng Hải 1, CCN Nam Cảng, MePu,…

2.2. Nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu BVMT đối với các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh

Chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp tỉnh ngày càng được nâng cao, tham mưu chặt chẽ, đúng quy trình, thời gian quy định. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Bình Thuận có 582 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (có 75 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường); 75 cơ sở được phê duyệt Đề án BVMT (có 04 cơ sở thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường); 45 dự án được xác nhận kế hoạch BVMT; 35 phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; cấp 370 Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 69 dự án đang hoạt động thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành các công trình BVMT theo quy định tại Cột 4 Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; trong đó: có 48 dự án đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT phục vụ giai đoạn hoàn thành của dự án; 21 dự án chưa được xác nhận hoàn thành các công trình BVMT.

[...]