Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2020 về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 03 năm 2021-2023 tỉnh Bình Định

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2020
Ngày có hiệu lực 03/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Trần Châu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Bình Định, ngày 03 tháng 07 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 03 NĂM 2021 - 2023 TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Văn bản số 2361/BTNMT-KHTC ngày 04/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 – 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách 03 năm 2021 – 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020, GIAI ĐOẠN 3 NĂM 2018 - 2020

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2020 và giai đoạn 2018-2020

Trong giai đoạn 2018-2020, công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường và triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như: Ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai các Nghị định, Thông tư về bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập hồ sở, thủ tục môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số văn bản chỉ đạo nổi bật như: Quyết định số 4208/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Định, Quyết định số 54/2019/QĐ-UBND ngày 02/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định, Văn bản số 554/UBND-KT ngày 04/02/2020 về xử lý vi phạm hành chính đối với dự án chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường... Ngoài ra, đã phổ biến Tài liệu hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Tiêu chí Cảnh quan - Môi trường đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Công tác thẩm định hồ sơ môi trường: Tiếp nhận và giải quyết hơn 400 hồ sơ môi trường, bao gồm Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành, vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường, cấp sổ chất thải nguy hại. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động tổ chức công tác tiếp nhận, thẩm định các Kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường.

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh theo nội dung hồ sơ môi trường đã được phê duyệt theo kế hoạch định kỳ hàng năm. Qua kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xây dựng công trình bảo vệ môi trường để được cấp Giấy xác nhận theo quy định. Qua đó, đã hướng dẫn các cơ sở khắc phục các vấn đề tồn tại, đồng thời xử phạt đối với một số cơ sở tái phạm nhiều lần và đề xuất UBND tỉnh ấn định thời hạn cho các cơ sở hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường để được cấp Giấy xác nhận theo quy định.

Tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ theo kế hoạch và theo phản ánh của cử tri qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh vẫn chưa chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác xử lý chất thải và chế độ báo cáo định kỳ về môi trường. Qua đó, đã chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở khắc phục các vấn đề tồn tại, đồng thời xử phạt đối với một số cơ sở tái phạm nhiều lần.

- Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn: Hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí môi trường đối với 55 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2018, 2019, 2020; hiện nay các xã còn nhiều khó khăn trong triển khai công tác quản lý môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường, đặc biệt trong vấn đề kinh phí cho hoạt động thu gom xử lý rác thải, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

- Công tác quan trắc môi trường: Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thực hiện kế hoạch quan trắc hiện trạng môi trường theo Quy hoạch đã được duyệt với số điểm quan trắc như sau: nước mặt: 43 điểm; nước dưới đất: 33 điểm; nước biển ven bờ: 13 điểm; không khí: 33 điểm; đất: 29 điểm. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 đơn vị đã truyền dữ liệu quan trắc tự động nước thải về Sở Tài nguyên và môi trường.

- Công tác quản lý chất thải: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt khá cáo tại một số địa phương như thành phố Quy Nhơn (95%) và phường Bồng Sơn (90%). Đối với các huyện, thị xã còn lại, tỷ lệ thu gom đạt 40 - 60% tại các thị trấn, khu đô thị và các trục đường chính dọc Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và 10 - 20 % tại các khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, hầu như toàn bộ các địa phương đều áp dụng phương pháp chôn lấp rác thải và có 05 bãi chôn lấp được xây dựng theo tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh. Năm 2018, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư đối với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà xây dựng Nhà máy xử lý rác sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đa Lộc đầu tư dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ. Đối với chất thải nguy hại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 02 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép. Một số loại chất thải nguy hại, đặc biệt là chất thải nguy hại trong lĩnh vực y tế được thu gom, xử lý đảm bảo.

- Công tác triển khai, phổ biến các quy định, chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng. Trong đó, nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn về môi trường như Ngày Đất ngập nước, Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường Thế giới,... được tổ chức rộng khắp trên toàn tỉnh. Ngoài ra, đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác BVMT cấp huyện, xã; cán bộ môi trường tại các doanh nghiệp (khoảng 300 lượt người/năm); biên soạn, phát hành Sổ tay, tờ rơi, bộ tài liệu hỏi đáp về tuyên truyền, hướng dẫn công tác BVMT cho thanh niên tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tại khu dân cư và học sinh, sinh viên, hội viên hội nông dân.... Tổ chức cuộc thi ảnh về môi trường và đa dạng sinh học; Cuộc thi “Chống rác thải nhựa”;... Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Ngày Môi trường thế giới cấp quốc gia 2018; triển khai mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông” tại huyện Tuy Phước; triển khai mô hình “Không sử dụng túi ni lông” tại xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn; triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phân tán tại các hộ dân khu vực nông thôn không có bãi rác tập trung phục vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, thị xã An Nhơn)...

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2020 và giai đoạn 2018-2020

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 03- NQ/TU ngày 07/4/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/4/2017 của Tỉnh ủy; công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành nghiêm túc triển khai, trong đó đã ưu tiên các nhiệm vụ chính sau:

- Truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; trong năm 2019 và 2020 tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai các mô hình, hoạt động truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa.

- Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng mô hình thí điểm truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở cấp xã của Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn.

- Triển khai một số nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá các điểm có khả năng nhiễm dioxin, kim loại nặng phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn; Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Đầm Thị Nại, Đầm Trà Ổ tỉnh Bình Định; Điều chỉnh phân vùng phát thải nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh.

- Ngoài ra, Bình Định đã triển khai một số dự án BVMT, sử dụng từ các nguồn kinh phí khác như: Trong khuôn khổ Dự án Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, tỉnh Bình Định đã thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề sản xuất bún tươi thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn với công suất 120 m3/ngày.đêm và bàn giao cho UBND thị xã An Nhơn tiếp nhận, vận hành vào cuối năm 2018.

Nhìn chung, việc triển khai nhiệm vụ và sử dụng kinh kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khá hiệu quả; các nhiệm vụ gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường đặt ra. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa triển khai đồng bộ và thường xuyên, liên tục các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

3. Kiến nghị và đề xuất.

UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành ở Trung ương một số vấn đề sau:

- Sớm ban hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và các văn bản dưới Luật để kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tăng chi ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường, tối thiểu 2% tổng chi ngân sách địa phương; đồng thời hướng dẫn cụ thể nội dung chi, định mức chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

- Bổ sung chỉ tiêu biên chế cho cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường các cấp, đặc biệt là cấp xã.

- Hỗ trợ trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường cho địa phương.

[...]